Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG QUE DIÊM


Tất cả những que diêm có hai con đường cơ bản: cháy hoặc rã đi.
Cháy một mình hay cùng cháy.
Rã và thành đất.
Thiên nhiên có bốn sức mạnh: đất, nước, lửa, gió. Thật ngẫu nhiên là trong một que diêm đã tiềm ẩn hết hai trong bốn sức mạnh của thiên nhiên. Nếu que diêm không cháy, thì đất cũng là nơi ươm mầm sự sống. Nếu que diêm cháy có ích, thành ngọn lửa nấu chín thức ăn, tức là duy trì sự sống… Nếu que diêm cháy vô ích?
……….......
Thư đưa mắt nhìn những gương mặt trong lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Hầu hết là những người đang tác nghiệp tại một tòa soạn nào đó, chỉ có mình cô là lính mới tò te. Khi giáo viên vào, lại có thêm học viên cùng vào, cô nhận ra ngay một chị là nhà nhiếp ảnh nghệ thuật khá tên tuổi, một người là nhạc sĩ trẻ đang lên và một nhà sư trẻ măng dù trong bộ áo nâu sồng, vẫn trông rất đẹp trai!
Lời giảng viên: …là nhà nước công dân, trong đó, có ba quyền lực gồm: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Có một thứ quyền lực không chính thống, vẫn được xem là quyền lực thứ tư, vì nó có sức mạnh hướng dẫn dư luận… Chúng ta không thể cho phép mình vì tình cảm riêng tư mà đưa thông tin theo ý kiến chủ quan. Một sự kiện điển hình, phải có ít nhất ba trường hợp giống như thế. Nếu các anh chị không cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa tin, hậu quả của nó... Tôi ví dụ:...
Tiếng giảng viên đều đều khiến cô gần như ngủ gật.
một tin tức phải chứa đầy đủ các thông tin gồm 5 W cộng một H: who, what, when, where, why và how. Trật tự của những chữ W đó do các anh chị quyết định chọn ý nào đắt nhất
Nghe loáng thoáng cái gì đắt đắt, cô giật mình tỉnh ngay. Cái mà thầy cho là đắt chắc là quý hiếm lắm đây. Thì ra chỉ là bài giảng. Lỡ thức rồi, cô mở mắt nghía anh chàng nhạc sĩ người Nha Trang. Anh nho nhã, trí thức với cái kính trắng và nụ cười thật tươi. Chỉ tiếc là anh có cái giọng nam cao gần như giọng gió. Còn anh nhà sư người Đà Lạt chỉ biết cười một cách hiền lành làm cô nghịch ngợm nảy ý muốn trêu chọc thầy. Cô cầm cây bút xoay xoay trên ngón tay, nghĩ ngợi nên viết cái gì cho nhà sư. Ra rồi, cô cười mủm mỉm viết: Thầy ơi, U hỏi thầy khi nào về?
Vo tròn tờ giấy, cô nhắm lưng thầy, liệng véo. Kịch.
Nhà sư quay lại, cô đưa bàn tay làm chữ OK lắc lắc và mấy ngón tay lần lượt vừa cúp, vừa bung thành hình như thể gọi điện thoại.
Nhà sư nhìn cô học viên trẻ măng có khuôn mặt thanh tú, đang hồn nhiên cười như hoa với mình, không cần nói cũng biết cô vẫn còn giữ tính học trò, chọc phá người khác. Thầy cười cười, cúi xuống nhặt viên giấy. Xem thử cô gái này viết gì nào – thầy vừa nghĩ, vừa mở. Nhìn thấy dòng chữ, mặt thầy trở nên đỏ hồng – hãy đợi đấy, cô gái thích chơi chữ.
Xem như thầy thua 1 – 0. Thư thích chí nhìn vào thầy. Bàn tay cô đang ở dạng gọi điện thoại trên tai, liền đưa ra ngoài ngang mũi, đầu ngón cái chỉ vào mũi mình, đầu ngón út chỉ vào nhà sư. Cô đưa ngón cái tay trái thành hình number one để ngay mũi, bàn tay phải thành số O như ống dòm, nheo một mắt nhìn vào thầy.
- Em.
Thư giật mình vì bị thầy giáo chỉ ngay mình.
- Dạ?
Thầy lấy bút gạch chân một cái title trên tờ báo mới ra, hầu như ai cũng có một tờ.
- Em lên bảng viết bài báo này thành một tin. Các anh chị cũng viết tin từ bài báo này. Chúng ta sẽ xem mọi người viết như thế nào.
Thư nhanh chóng lướt mắt suốt cả bài báo dài. Trong đầu cô những từ: ai, khi nào, ở đâu, việc gì, tại sao, thế nào… cứ như lồng đèn kéo quân chạy loanh quanh, muốn nứt toác cả trán cô mà chui ra. Cuối cùng, cô nghĩ: một cái tin, điều đập vào ý nghĩ người khác trước hết chính là sự kiện, thời gian, địa điểm, nhân vật và kết luận vì sao xảy ra sự kiện.
Thầy giáo nhìn vào cái tin của cô và nhăn mặt:
- Vì sao em chọn cách sắp xếp thông tin như thế?
- Thưa thầy, có vấn đề ạ?
- Có vấn đề đấy.
- Dạ?
- Đây là một bài báo viết về một chương trình truyền hình mới, do những diễn viên kịch nói tên tuổi dàn dựng. Theo em, cái gì khiến bạn đọc chú ý trước hết?
- Thưa thầy, chương trình ạ.
- Nếu chương trình không phải do những nghệ sĩ này dàn dựng, em có chú ý không?
- Dạ… thưa thầy, em có chú ý ạ, vì...
Thầy giáo cắt lời Thư, chỉ vào nhà sư:
- Vui lòng đọc cho tôi nghe cái tin của Thầy.
- Hai diễn viên... vừa kết hợp với Đài THTP dàn dựng một chương trình dành cho thiếu nhi có tên gọi…
- Em có biết hai diễn viên này không?
- Dạ biết.
- Có thích họ không?
- Dạ có.
- Nếu những người em đã biết, đã thích, em có chú ý xem họ làm gì mới không?
- Dạ có.
- Vậy em có biết cái tin của em tệ ở chỗ nào không?
- Dạ...
Nhân lúc thầy giáo bận nhìn xuống mọi người, Thư nhìn nhà sư, nheo một mắt, ra dấu số 1 với thầy rồi hơi cúi đầu đi về chỗ.
Giờ ra chơi, Thư lên xem tập album ảnh của nhà nhiếp ảnh. Thư trầm trồ:
- Nhìn ảnh là biết chị đã đi rất nhiều nơi. Chị chụp ảnh đẹp quá, trông cứ như tranh ấy. Chị học lớp này, định làm phóng viên ảnh ạ?
- Chỉ để cộng tác tin ảnh.
- Vậy chị nghĩ anh nhạc sĩ đẹp trai kia học để làm gì?
- Có lẽ để tự làm PR cho mình.
- Chị giỏi quá, cái gì cũng nghĩ ra.
Chị vò đầu Thư cười:
- Ngốc. Vậy em học để làm gì?
- Em muốn làm phóng viên.
- Trông em không giống phóng viên đâu.
- Làm sao mới giống hả chị?
- Mai mốt em sẽ biết, ráng chờ đi hen.
Nhìn thấy nhà sư đang ngồi một mình ở ghế đá dưới gốc cây sứ trắng, Thư lại gần:
- Thầy ơi?
Nhà sư nghĩ bụng: Cô gái nghịch ngợm lại đến nữa rồi! – nhìn vào Thư, thầy hỏi:
- Dạ, có chuyện gì?
- Dạ, em nghe nói thầy tu ở Trúc Lâm thiền viện?
- Dạ phải.
- Thầy đi học để về làm cho báo Giác Ngộ phải không ạ?
- Không hẳn thế.
- Thầy ơi, có phải thầy học để làm PR cho chùa Trúc Lâm phải không ạ?
- Không hẳn thế.
Thư bắt đầu ngờ vực nhà sư đang có ý trêu mình:
- Cái gì cũng không hẳn, tức là cái gì cũng có một chút ạ?
- Dạ phải. Không hay có chỉ là một khái niệm. Ta làm chưa hẳn là có, ta không làm, chưa hẳn là không.
Thư nhìn nhà sư đang mủm mỉm cười, bất chợt cô nói:
- Thầy ơi, thầy nói khó hiểu quá, em không hiểu tức là không hoàn không, may quá, dạ chào thầy.
Vừa nói xong, Thư đã vội quay người, vung vẩy hai tay mà đi.
* * * * * *
Anh Trưởng ban Chính trị-Xã hội gọi Thư vào:
- Em đã có đề tài nào chưa?
- Dạ, em báo cáo tuần mấy đề tài đó ạ.
- Cái đó đều xài không được. Tôi cho em một đề tài đây.
- Dạ, cám ơn anh. Đề tài gì vậy anh?
- Em vào trại giam xin phỏng vấn P.
- Tên cướp giết người không ghê tay, đang chờ thụ án tử hình ạ?
- Phải.
- Dạ thôi, em không nhận đề tài này đâu.
- Không nhận là thế nào?
- Gã đó, khi cướp của thì quyết giết chết không tha để nạn nhân không thể nhận diện. Thuở ban đầu còn nghèo hèn, hắn sử dụng vũ khí thô sơ là dao, mác. Khi giàu có, hắn dùng súng đạn. Gã giết người máu lạnh vậy, lời cuối cùng cũng chẳng hay ho lắm đâu ạ. Anh cho em đề tài khác đi.
- Không có cái khác, em làm đi. Đây là một đề tài rất hay. Cuộc đời ngắn ngủi của hắn, tội ác và kết thúc là dựa cột ở trường bắn. Đó là bài học cho những ai không chăm chỉ làm việc, chỉ muốn ăn chơi, hưởng thụ trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của người khác.
- Nhưng em làm sao vào đó được? Anh cũng biết em đang tập sự, đâu có giấy tờ gì để qua cửa công an?
- Có đủ giấy tờ, ai làm chẳng được, cần gì gọi em. Làm được mới có tương lai. Anh đã viết sẵn cho em giấy giới thiệu, cầm lấy.
- Cái giấy này, vào tới phòng trực ban của trại giam là chấm hết. Cửa phòng giam hắn còn chưa kịp ngó nữa là…
- Đi đi, lằng nhằng ăn đòn bây giờ. Chúc em nhiệm vụ khả thi.
- Nhiệm vụ bất khả thi thì có – Thư nhăn nhó khẽ lẩm bẩm.
Giọng anh trưởng ban tuy rất hiền lành, vui vẻ, nhưng Thư biết mình chỉ có hai con đường: một là hoàn thành nhiệm vụ, hai là say good bye my job! Không có cửa thứ ba cho cô chọn lựa.
Đúng như những gì Thư dự đoán, tại cửa trại giam Chí Hòa, anh công an gác cửa sau khi xem giấy giới thiệu của cô, chỉ cô vào phòng trực ban ngồi chờ. Khoảng 15 phút, một sĩ quan công an vào gặp cô. Sau khi đọc hết những giấy tờ của Thư, ông nói:
- Muốn gặp tử tù này phải có giấy cho phép của Sở Công an Thành phố. Khi nào cô có giấy ấy, tôi lập tức cho cô vào gặp hắn. Cô phải nhanh lên đấy, hắn sắp bị đưa đi xử bắn rồi.
Biết chắc là dù mình có cố gắng mấy cũng không có cách nào "chạy" ra cái giấy chính thức gặp tử tù, Thư thầm nghĩ: một câu chuyện cũng như một cái tin, không trực tiếp thì vào đề gián tiếp. Không gặp được hắn, ta cũng có thể đi vòng từ phía gia đình hắn.
Cô chỉ biết nhà hắn ở khu vực Cầu Cống. Không hiểu cố ý hay vô tình, mọi thông tin đã có trên báo chí về P. hoàn toàn không nhắc gì về gia đình và địa chỉ cụ thể. Biết hỏi ai bây giờ? – Thư đau hết cả đầu để tự hỏi và đáp - người có thể biết về P., ngoài người thân của hắn (những người này đâu có dán nhãn cho cô thấy), còn lại là công an khu vực, người lái xe ôm. Gặp công an khu vực, tức là đụng vào thủ tục giấy tờ, vậy chỉ còn gặp các bác tài xe ôm.
Thư vào khu Cầu Cống, nghĩ là nên chọn những bác tài xe ôm có gắn tờ báo trên xe. Người thích đọc báo, ngoài chuyện rành đường sá, sẽ biết nhiều thông tin ngoài luồng hơn.
Thư có thông tin nhanh hơn là cô dự đoán. Người đầu tiên cô hỏi chuyện là một bác tài xe ôm đứng tuổi đã có thể nói vanh vách về P. và gia đình. Hắn cũng bình thường như những thanh niên khác, có một mẹ già, một vợ, một con. Trong xóm, hắn nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, một chàng trai lịch sự, lễ phép, một người chồng yêu vợ, thương con… cho đến khi hắn lên báo, người dân trong xóm còn ngờ vực không hiểu ảnh đó có phải là chính P. hay không? Gia đình hắn không xác nhận. Hắn không thấy có mặt ở nhà, trong lúc mẹ hắn hiện đang bệnh rất nặng, sống nay chết mai.
Thư đứng nhìn căn nhà ọp ẹp, vách gỗ có nhiều kẽ hở, mái tôn. Cái cửa sổ chỉ có chấn song, treo một tấm rèm bông hoa đã rất cũ, buộc xéo, bên trong tối mờ. Cánh cửa gỗ đóng im ỉm, có một cái lỗ chó bên dưới. Trong nhà vẳng ra tiếng ho sù sụ và tiếng trẻ con khóc oe oe.
Cô gõ cửa và đứng chờ khá lâu mới có người mở cửa.
Người mẹ trẻ đang bồng nách một đứa bé gầy nhom:
- Cô là ai? Nếu là phóng viên thì về đi, tôi không tiếp.
- Chào chị. Em bên Hội Liên hiệp Phụ nữ.
- Có chuyện gì không?
- Dạ, nghe bảo bà bệnh nặng và cháu bé suy dinh dưỡng cần giúp đỡ, em đến để xác minh.
- Chúng tôi tự lo được, không cần phải nhờ vã ai. Cô về đi.
- Chị ơi, khoan đã. Em không xác minh xong, về bị la chết. Chị giúp em với.
- Hỏi xong thì về ngay nhé.
- Dạ, cám ơn chị.
Thư nhìn mọi thứ xung quanh, lòng tự hỏi: Hắn đã cướp nhiều vụ lớn, vậy tiền đã đi đâu mà nhà cửa thì huơ hoác, mẹ già con yếu nheo nhóc thế này?
- Bác bệnh sao vậy chị?
- Mẹ bị tai biến nằm liệt giường mấy năm nay rồi. Khi trước nằm ở bệnh viện, chỉ mới về gần đây thôi.
- Chị có đi làm không?
- Tôi nuôi con nhỏ, chăm mẹ chồng bệnh, còn làm được gì?
- Vậy chồng chị đâu?
- Cô không biết thật hay...
- Sao ạ?
- Không sao. Ảnh đang ở tù.
- Trước đây, ảnh làm nghề gì?
- Chúng tôi quen nhau khi cùng làm cho một cơ sở in lụa. Sau này, khi mẹ chồng bệnh, tôi có mang thì chỉ còn mình anh ấy đi làm, tôi ở nhà.
- Vậy vì sao…?
- Khi anh ấy bị bắt, tôi mới biết ảnh kiếm tiền bằng cách nào. Con gái tôi có một người cha như thế, làm sao mà ngẩng mặt nhìn ai đây hở trời!
Bỗng dưng chị khóc nức nở. Bé gái trong lòng chị cũng khóc váng lên.
- Con à!
Tiếng người mẹ vẳng ra từ chiếc giường bỏ mùng kín mít.
- Dạ, mẹ gọi con.
- Sao mà khóc vậy con? Nhà có khách à? Ai thế?
- Có một cô bên Hội Liên hiệp Phụ nữ đến.
- Họ muốn gì?
- Không có gì đâu mẹ, cô ấy chỉ đi xác minh hoàn cảnh nhà mình.
- Để làm gì?
- Nghe nói họ muốn giúp đỡ chúng ta.
- Để dành giúp cho người khác đi. Gia đình mình còn mặt mũi nào nhận giúp đỡ. Ôi, con ơi là con.
Cả nhà đều khóc nức nở. Lòng Thư nặng nề mặc cảm dối trá trước những giọt nước mắt của họ.
- Khi nào gia đình sẽ vào thăm chồng chị?
- Cô muốn đi theo? Để làm chi?
- Dạ, em phải xác minh tất cả mới xong việc, chị có thể giúp em không?
- Cô không theo vào được đâu, có trong danh sách thăm tù mới được.
- Bác có trong danh sách không?
- Danh sách chỉ có hai người là tôi và mẹ tôi.
- Em có thể xin đổi danh sách thăm nuôi, nếu chị đồng ý.
- Cho nó đổi đi, dù sao mẹ cũng không thể đi được – tiếng người bệnh thều thào:
– Con gái, lại đây.
Cô con dâu bế em bé lại gần, người bệnh lắc đầu:
- Cô bên Hội Liên hiệp Phụ nữ kìa.
Thư đến bên giường, mở một góc màn nhìn vào.
- Vào thăm nó, cô đừng nói gì về bệnh tình của tôi. Tôi biết cô thực sự là ai, cô muốn gì…, nhưng tôi không trách cô đâu. Trước khi gặp nó, tôi sẽ cho cô biết về nó, về chúng tôi đã sống như thế nào.
* * * * * *
Lời người mẹ: Đây là khu ổ chuột. Hàng xóm đều là những người lao động chân tay, nghề "thợ đụng", chạy xe ôm, mua gánh bán bưng. Bước ra cửa là thấy bán xì ke ma túy, chích hút, trộm cắp… Công an hốt như cơm bữa. Tôi luôn răn đe nó: Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Đi học về là bắt theo tôi bán rong, rửa chén, bưng đồ ăn cho khách lề đường. Lớn chút, không chịu đi học là tôi xin cho vào học nghề ở xưởng in lụa bên khu Mả Lạng. Nó không dính xì ke ma túy, không hề điều tiếng, trộm cắp. Đi làm thì thôi, về nhà là nó ngoan lắm, sửa này, sửa kia, một dạ, hai thưa. Rồi nó cưới vợ, có con. Tôi thì vào bệnh viện. Từ đó, nó đi suốt ngày đêm. Nghe nó nói tăng ca kiếm thêm, tôi cũng mừng. Ai ngờ nó lại đi cướp của, giết người. Thà nó để tôi chết đi còn hơn. Sống mang nhục thế này… Cô ơi, con gái ơi - những dòng nước mắt chảy không ngừng trên đôi má hóp của người bệnh.
* * * * * *
Phải mất hai ngày chạy ngược, chạy xuôi, Thư mới làm xong thủ tục đổi tên người thăm nuôi tử tù. Trong khi chờ người công an dẫn hắn ra, cô bỗng cảm thấy thật trống rỗng. Cô không biết sẽ nói gì, sẽ hỏi gì. Hắn chết, đó là giá phải trả, nhưng còn những người ở lại? - mẹ hắn, vợ con hắn và những người vô tội chết dưới tay hắn, còn có một người sống sót thì trở thành phế nhân, gây đau khổ một đời cho họ và gia đình?
Hắn đã ra tới. Trông hắn trẻ, hiền lành như mọi chàng trai ở lứa tuổi 28, chưa đủ già để chững chạc, nhưng đã qua tuổi bồng bột, vô tư.
- Mẹ tôi khỏe không?
- Khỏe.
- Vợ con tôi khỏe không?
- Khỏe.
- Mẹ có trách tôi không?
- Có.
- Cô về nói lại với mẹ tôi, tôi xin lỗi mẹ.
...........
Thư vội vàng kết thúc cuộc viếng thăm mà cô đã thấy vô vị như chính bản thân mình.
Ngồi trước xấp tư liệu, hình ảnh thu thập được, Thư thở dài chán nản. Xem ra, mình chỉ có thể viết gương Người tốt, việc tốt thì đầu óc mới không đau. Cô hình dung hắn như một que diêm cháy vô ích. Khi cô đốt cháy hắn, hắn không cháy một mình mà cả gia đình hắn cùng cháy.
Cuối cùng thì Thư đã hiểu vì sao nhà nhiếp ảnh nói mình không giống một phóng viên: ngốc nghếch, thiếu bản lĩnh và sự quyết đoán đến lạnh lùng, cái cần rút bài học thì không giỏi, cảm tính thì quá thừa...! Công việc cô muốn làm, là nghề chọn người, không phải người chọn nghề.
******


HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG QUE DIÊM
 (Bản sửa)


(Ảnh: VN Thư quán)
Tất cả que diêm có hai con đường cơ bản: cháy hoặc rã. Cháy một mình hay cùng cháy. Rã và thành đất.
Anh Trưởng ban Chính trị - Xã hội gọi Thư vào:
- Em đã có đề tài nào chưa?
- Dạ, em báo cáo tuần mấy đề tài đó ạ.
- Cái đó đều xài không được. Tôi cho em một đề tài đây.
- Dạ, cám ơn anh. Đề tài gì vậy anh?
- Em vào trại giam xin phỏng vấn P.
- Tên cướp giết người không ghê tay, đang chờ thụ án tử hình ạ?
- Phải.
- Dạ thôi, em không nhận đề tài này đâu.
- Không nhận là thế nào?
- Gã đó, khi cướp của thì quyết giết chết không tha để nạn nhân không thể nhận diện. Thuở ban đầu còn nghèo hèn, hắn dùng dao, mác. Khi giàu có, hắn dùng súng đạn. Gã giết người máu lạnh vậy, lời cuối cùng cũng chẳng hay ho đâu. Anh cho em đề tài khác đi.
- Không có cái khác, em làm đi. Đây là một đề tài rất hay. Cuộc đời ngắn ngủi của hắn, tội ác và kết thúc là dựa cột ở trường bắn. Đó là bài học cho những ai không chăm chỉ làm việc, chỉ muốn ăn chơi, hưởng thụ trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của người khác.
- Nhưng em làm sao vào đó được? Anh cũng biết em đang tập sự, đâu có giấy tờ gì để qua cửa công an?
- Có đủ giấy tờ, ai làm chẳng được, cần gì gọi em. Làm được mới có tương lai. Anh đã viết sẵn cho em giấy giới thiệu, cầm lấy.
- Cái giấy này, vào tới phòng trực ban của trại giam là chấm hết. Cửa phòng giam hắn còn chưa kịp ngó nữa là…
- Đi đi, lằng nhằng ăn đòn bây giờ. Chúc em nhiệm vụ khả thi.
- Nhiệm vụ bất khả thi thì có - Thư nhăn nhó khẽ lẩm bẩm.
Giọng anh trưởng ban tuy rất hiền lành, vui vẻ, nhưng Thư biết mình chỉ có hai con đường: một là hoàn thành nhiệm vụ, hai là say good bye my job! Không có cửa thứ ba cho cô chọn lựa.
Đúng như những gì Thư dự đoán, tại cửa trại giam Chí Hòa, anh công an gác cửa sau khi xem giấy giới thiệu của cô, chỉ cô vào phòng trực ban ngồi chờ. Khoảng 15 phút, một sĩ quan công an vào gặp cô. Sau khi đọc hết những giấy tờ của Thư, ông nói:
- Muốn gặp tử tù này phải có giấy cho phép của Sở Công an Thành phố. Khi nào cô có giấy ấy, tôi lập tức cho cô vào gặp hắn. Cô phải nhanh lên đấy, hắn sắp bị đưa đi xử bắn rồi.
Biết chắc là dù mình có cố gắng mấy cũng không có cách nào "chạy" ra cái giấy chính thức gặp tử tù, Thư thầm nghĩ: Một câu chuyện cũng như một cái tin, không vào đề trực tiếp thì vào đề gián tiếp. Không gặp được hắn, ta cũng có thể đi vòng từ phía gia đình hắn.
Cô chỉ biết nhà hắn ở khu vực Cầu Cống. Không hiểu cố ý hay vô tình, mọi thông tin đã có trên báo chí về P., ngoài ảnh hắn, không nhắc gì về gia đình và địa chỉ cụ thể. Biết hỏi ai bây giờ? - Thư đau hết cả đầu để tự hỏi và đáp - người có thể biết về P., ngoài người thân của hắn (những người này đâu có dán nhãn cho cô thấy), còn lại là công an khu vực, người lái xe ôm. Gặp công an khu vực, tức là đụng vào thủ tục giấy tờ, vậy chỉ còn gặp các bác tài xe ôm.
Thư vào khu Cầu Cống, nghĩ là nên chọn những bác tài xe ôm có gắn tờ báo trên xe. Người thích đọc báo, ngoài chuyện rành đường sá, sẽ biết nhiều thông tin ngoài luồng hơn.
Thư có thông tin nhanh hơn cô dự đoán. P. bình thường như những thanh niên khác, có một mẹ già, một vợ, một con. Trong xóm, hắn là đứa con hiếu thảo, một chàng trai lịch sự, lễ phép, một người chồng yêu vợ, thương con… cho đến khi hắn lên báo, người dân trong xóm còn ngờ vực không hiểu ảnh đó có phải là chính P. hay không? Hắn không có mặt ở nhà, trong lúc mẹ hắn hiện đang bệnh rất nặng, sống nay chết mai.
Thư nhìn căn nhà mái tôn ọp ẹp, vách gỗ có nhiều kẽ hở. Cái cửa sổ chỉ có chấn song, treo một tấm rèm hoa rất cũ, buộc xéo, bên trong tối mờ. Cánh cửa gỗ đóng im ỉm, có một cái lỗ chó bên dưới. Trong nhà vẳng ra tiếng ho sù sụ và tiếng trẻ con khóc oe oe.
Cô gõ cửa và đứng chờ khá lâu mới có người mở cửa.
Người mẹ trẻ đang bồng nách một đứa bé gầy nhom:
- Cô là ai? Nếu là phóng viên thì về đi, tôi không tiếp.
- Chào chị. Em bên Hội Liên hiệp Phụ nữ.
- Có chuyện gì không?
- Dạ, nghe bảo bà bệnh nặng và cháu bé suy dinh dưỡng cần giúp đỡ, em đến để xác minh.
- Chúng tôi tự lo được, không cần phải nhờ vã ai. Cô về đi.
- Chị ơi, khoan đã. Em không xác minh xong, về bị la chết. Chị giúp em với.
- Hỏi xong thì về ngay nhé.
- Dạ, cám ơn chị.
Thư nhìn mọi thứ xung quanh, lòng tự hỏi: Hắn đã cướp nhiều vụ lớn, vậy tiền đã đi đâu mà nhà cửa thì huơ hoác, mẹ già con yếu nheo nhóc thế này?
- Bác bệnh sao vậy chị?
- Mẹ bị tai biến nằm liệt giường mấy năm nay rồi.
- Chị có đi làm không?
- Tôi nuôi con nhỏ, chăm mẹ chồng bệnh, còn làm được gì?
- Vậy chồng chị đâu?
- Cô không biết thật hay...
- Sao ạ?
- Không sao. Ảnh đang ở tù.
- Trước đây, ảnh làm nghề gì?
- Chúng tôi quen nhau khi cùng làm cho một cơ sở in lụa. Sau này, khi mẹ chồng bệnh, tôi có mang thì chỉ còn mình anh ấy đi làm, tôi ở nhà.
- Vậy vì sao…?
- Khi anh ấy bị bắt, tôi mới biết ảnh kiếm tiền bằng cách nào. Con gái tôi có một người cha như thế, làm sao mà ngẩng mặt nhìn ai đây!
Chị bật khóc nức nở. Bé gái trong lòng chị cũng khóc váng lên.
- Con à!
Tiếng người mẹ vẳng ra từ chiếc giường bỏ mùng kín mít.
- Dạ, mẹ gọi con.
- Sao mà khóc vậy con? Nhà có khách à? Ai thế?
- Có một cô bên Hội Liên hiệp Phụ nữ đến.
- Họ muốn gì?
- Không có gì đâu mẹ, cô ấy chỉ đi xác minh hoàn cảnh nhà mình.
- Để làm gì?
- Nghe nói họ muốn giúp đỡ chúng ta.
- Để dành giúp cho người khác đi. Gia đình mình còn mặt mũi nào nhận giúp đỡ. Ôi, con ơi là con.
Cả nhà đều khóc nức nở. Lòng Thư nặng nề mặc cảm dối trá trước những giọt nước mắt của họ.
- Khi nào gia đình sẽ vào thăm chồng chị?
- Cô muốn đi theo? Để làm chi?
- Dạ, em phải xác minh tất cả mới xong việc, chị có thể giúp em không?
- Cô không theo vào được đâu, có trong danh sách thăm tù mới được.
- Bác có trong danh sách không?
- Danh sách chỉ có hai người là tôi và mẹ tôi.
- Em có thể xin đổi danh sách thăm nuôi, nếu chị đồng ý.
- Cho nó đổi đi, dù sao mẹ cũng không thể đi được - tiếng người bệnh thều thào:
- Con gái, lại đây.
Cô con dâu bế em bé lại gần, người bệnh lắc đầu:
- Cô bên Hội Liên hiệp Phụ nữ kìa.
Thư đến bên giường, mở một góc màn nhìn vào.
- Vào thăm nó, cô đừng nói gì về bệnh tình của tôi. Tôi biết cô thực sự là ai, cô muốn gì…, nhưng tôi không trách cô đâu. Trước khi gặp nó, tôi sẽ cho cô biết về nó, về chúng tôi đã sống như thế nào.
* * * * * *
Lời người mẹ: Đây là khu ổ chuột. Hàng xóm đều là những người lao động chân tay, nghề "thợ đụng", chạy xe ôm, mua gánh bán bưng. Bước ra cửa là thấy bán xì ke ma túy, chích hút, trộm cắp… Công an hốt như cơm bữa. Tôi luôn răn đe nó: Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Đi học về là bắt theo tôi bán rong, rửa chén, bưng đồ ăn cho khách lề đường. Lớn chút, không chịu đi học là tôi xin cho vào học nghề ở xưởng in lụa bên khu Mả Lạng. Nó không dính xì ke ma túy, không hề điều tiếng, trộm cắp. Đi làm thì thôi, về nhà là nó ngoan lắm, sửa này, sửa kia, một dạ, hai thưa. Rồi nó cưới vợ, có con. Tôi thì vào bệnh viện. Từ đó, nó đi suốt ngày đêm. Nghe nó nói tăng ca kiếm thêm, tôi cũng mừng. Ai ngờ nó lại đi cướp của, giết người. Thà nó để tôi chết đi còn hơn. Sống mang nhục thế này… Cô ơi, con gái ơi - những dòng nước mắt chảy không ngừng trên đôi má hóp của người bệnh.
* * * * * *
Phải mất hai ngày chạy ngược, chạy xuôi, Thư mới làm xong thủ tục đổi tên người thăm nuôi tử tù. Trong khi chờ người công an dẫn hắn ra, cô bỗng cảm thấy thật trống rỗng. Cô không biết sẽ nói gì, sẽ hỏi gì. Hắn đã ra tới, trông hắn trẻ, hiền lành như mọi chàng trai ở lứa tuổi 28, chưa đủ già để chững chạc, nhưng đã qua tuổi bồng bột, vô tư.
...........
Thư vội vàng kết thúc cuộc viếng thăm mà cô đã thấy vô vị như chính bản thân mình, một que diêm ngớ ngẩn, chưa tự biết đời diêm ngày mai.
Đã có nhiều bài báo viết về tội ác của hắn, để cho mới mẻ hơn, cô phải viết về những gì người khác chưa viết, đó là gia đình hắn và những suy nghĩ của hắn trong những ngày cuối cùng trong xà lim tử tù. Ngồi trước xấp tư liệu, hình ảnh thu thập được, Thư thở dài chán nản. Hắn chết, đó là giá phải trả, nhưng còn những người ở lại? - mẹ hắn, vợ con hắn và những người vô tội chết dưới tay hắn. Những dòng chữ viết về gia đình hắn, Thư gõ rồi lại xóa, cô thấy mình giống con kền kền. Cô hình dung hắn như một que diêm cháy vô ích. Khi cô đốt cháy hắn, hắn không cháy một mình mà cả gia đình hắn cùng cháy.
******

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét