Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

XUỒNG BA LÁ


Sau nhà tôi là một con sông nhỏ. Hai bên bờ sông xanh rợp bóng dừa nước xen lẫn những cây bần dĩa. Khi nước lớn, tôi thường đẩy chiếc xuồng ba lá ra sông, bơi chèo nhẩn nha tới lui. Thích nhất là mỗi khi có một chiếc tàu lớn đi ngang. Những ngọn sóng cao đằng sau chiếc tàu như chực chờ dìm chiếc xuồng ba lá mỏng manh, bé nhỏ, đang dập dềnh giữa dòng như chiếc lá.
Tôi luôn có tâm trạng hồi hộp khi ngồi trên xuồng đón sóng. Tất cả những động tác của tôi là một thứ bản năng. Dường như tôi hơi ấn mạnh chèo, người hơi nhún xuống cho mũi xuồng gác nhẹ lên đầu sóng, thế rồi cả chiếc xuồng được sóng nâng lên đến hết đà và hạ chúc xuống. Lúc này, tôi đẩy chèo cho chiếc xuồng nằm hơi nghiêng theo triền sóng. Trước khi con sóng sau chồm tới, tôi lại ấn mạnh chèo cho mũi xuồng nghiêng ghếch lên và lại gác đầu lên con sóng mới. Cái cảm giác nước lên, thuyền lên, nước hạ thuyền xuống, rất kỳ lạ. Rất nhiều lần, tôi cũng muốn chú ý xem mình đã làm như thế nào để đón sóng, nhưng hầu như tôi chẳng nhớ mình đã làm ra sao khi chiếc xuồng ba lá đang cưỡi sóng, bởi vì ngay khi mặt nước êm, chiếc xuồng có tôi ngồi trên đã mấp mé mặt nước. Còn nhớ những ngày đầu đem xuồng ra tập chèo, ngay cả xuống xuồng ngồi mà nó không chìm cũng không dễ. Này nhé, tôi phải thò một chân, từ từ thả trọng lượng của mình lên xuồng, cho đến khi cảm nhận được sự cân bằng thì bước luôn chân còn lại và ngồi xuống tháo dây ra. Tất cả những động tác diễn ra trong tích tắc và tôi đưa xuồng lướt ra sông. Nhiều lần chưa kịp đón sóng, tôi đã để sóng chụp chìm xuồng. Sau nhiều lần còng lưng tát nước, cuối cùng, tôi đã đón sóng thành công. Khi đó, tôi chỉ là một đứa trẻ mười một, mười hai tuổi.
Tháng ngày trôi qua, tôi rời quê, vào đời. Có rất nhiều khó khăn, buồn phiền, thất bại đi qua cuộc đời tôi và tôi luôn đem bài học đón sóng ra tự động viên mình. Những khi vướng mắc, tôi lại nhớ chiếc xuồng ba lá mỏng manh và tôi tự hỏi: Mình đã cố gắng hết sức chưa?
Tôi vẫn ngày mỗi ngày ngồi trên chiếc xuồng ba lá, chở cuộc đời tôi đi trong dòng đời. Những con sóng mang đầy những dấu hỏi. Không phải lúc nào tôi cũng trả lời suôn sẻ, luôn luôn có một ít nước tràn vào xuồng khi nó nhảy sóng. Những dấu hỏi ví như những con đường mà tôi đã chọn đi qua, dù cuối đường đầy những thất vọng, mất mát, tôi cũng không bao giờ hối hận.
Tôi vẫn rất sợ phải đối đầu với những thất bại và những khi lực bất tòng tâm, nhưng tôi vẫn thấy buồn cười vì nhận ra mình thật quá tò mò muốn biết mình sẽ giải quyết những dấu hỏi trước mặt như thế nào?

2003

DẠ, THƯA THẦY!



       
Ai cũng từng một thời cắp sách đến trường, câu đầu môi của chúng ta khi ấy là: Dạ, thưa thầy…
Khi ta vào đời, dù hữu ý hay vô tình, người đi trước không ít thì nhiều đã làm thầy ta mà chưa bao giờ được ta gọi một tiếng: Thầy ơi!
Bài học ở trường, phần lớn là lý thuyết. Bài học ở đời, tất cả là thực hành. Có bài học, ta dùng suốt đời không hết; có bài học giúp ta ăn nên, làm ra; có bài học khiến ta thương tâm một đời… Mỗi bài học là một trải nghiệm mà chỉ khi chúng ta đi qua mới thấu hiểu hết.
Khi ta học ở trường, bài toán đơn giản của học trò lớp một là: 1+1=2, luôn có đáp số là một hằng số.
Khi ta vào đời, bài toán này trở thành bài toán cắc cớ với rất nhiều đáp án. Đến nỗi, một bài toán đơn giản mà học sinh lớp một cũng có thể mạnh dạn trả lời với niềm tin rằng nó chính xác thì người lớn cứ ấm ớ, sợ trả lời sai và rồi ngớ ngẩn tự hỏi: 1+1=?
Khi học ở trường, ta luôn biết: Đường thẳng nối hai điểm là đường ngắn nhất. Nếu ta nói như thế ở trường đời, chắc chắn sẽ nhận được một câu phang ngang thế này: Câu đó xưa rồi Diễm! Đường ngắn nhất nối hai điểm là đường parabol, tức đường vòng?! Phải chăng ta càng học nhiều ở trường đời, tính thật thà cũng bị mòn đi, mỗi lời, mỗi ý đều chứa quá nhiều vị: ý tại ngôn ngoại?
Thầy ở trường dạy ta: Hãy biết mơ ước, với niềm tin: hãy gõ, cửa sẽ mở!
Tôi vẫn còn nhớ như in giọng cười trong vắt của bạn tôi khi nó nói: Cứ đứng đó mà gõ. Một cửa một dấu, nhưng cửa lại có rất nhiều khóa và nhiều người giữ chìa. Cứ chờ đi hen.
Nói đến chờ đợi, tôi lại nhớ khi xưa ta bé, điều mong chờ nhất là trở thành người lớn. Khi làm người lớn, ta mới nhận ra làm trẻ con là thích nhất. Bởi vì khi ta là người lớn, ta càng phải học nhiều hơn. Bài học trẻ con thường được thầy cô cho điểm. Bài học trường đời ta phải trả giá bằng chính cuộc đời ta, trái tim ta… Và có thể, có những bài học mà giá của nó, ta không bao giờ trả nổi. Ta ở trường đời, và khi đó, ta không thể nói: Dạ, thưa thầy, thầy bỏ qua cho em!
Thời tôi mới bắt đầu đọc cuốn sách: Quẳng gánh lo đi và vui sống của cố học giả Nguyễn Hiến Lê, tôi mới nhận ra rằng mình đã tự làm khổ mình quá nhiều khi cứ mang mãi gánh lo trên vai, dù chưa biết làm sao giải quyết. Khi tôi quẳng gánh lo, buồn phiền ra khỏi đầu, chỉ nghĩ cách giải quyết gút mắt, giải pháp lại xuất hiện như một trò đùa.
Và cứ thế, tôi đi trong đời, ngày mỗi ngày, tôi có thêm nhiều bài học mới, từ gia đình, từ bạn bè, từ người đời… Với tất cả những gì mà tôi đã học, dù tốt hay xấu, cũng tạo nên một tôi giữa đời.
4.9.2007