Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

Bánh bao chỉ... ngon ơi là ngon!


-->
Tháng bảy âm lịch đã về quê đốt nhang cho cha má. Tháng tám Trung thu, chỉ về nhà ở Gò Vấp đốt nhang ở bàn thờ. Mua lung tung xèng rồi về nhà, ngại cái lô cốt ĐBP thế là vòng đường bờ kênh đi ngõ sân bay.
Dù sao thì đường Trần Huy Liệu đã thành đường một chiều cả tháng nay rồi, đi ngõ nào cũng phải xuôi NKKN xuống sân bay mà thôi.
Trên đường chợt nhìn thấy mấy cái tấm bảng chưng hàng chữ "Bánh bao chỉ, Ngon ơi là ngon!". Lại nhớ cha má ngày còn sống đều rất thích ăn bánh bao chỉ.
Thế là lon ton ghé vào:
- Chào con, cái bánh bao chỉ ngon ơi là ngon đó... bán làm sao?
- Dạ, ba ngàn một cái.
- Hiiii, họ nhà bánh bao chắc bà con với xăng dầu.
- Dạ hổng có đâu cô. Bánh bao có mùi xăng là khỏi ăn luôn.
- Thế à!
Tôi buồn cười. Người đâu mà thật thà quá. Mà cũng không biết ai mới thật thà nhỉ? Mua xong rồi tôi mới cười cười bảo:
- Ngon ơi là ngon nên mới lên giá như xăng dầu đó hả? Hồi trước, chỉ 500 - 1000. Bây giờ trượt giá, leo tuốt lên mây ngồi luôn, nóng lạnh quá! Heeeeee. Chúc con bán hết hàng nha.
- Dạ, cám ơn cô. Giá đó là chủ giao bán, con chỉ ăn lương thôi.
Trên đường về nhà mới để ý cái logo "Bánh bao chỉ, ngon ơi là ngon" đó tràn ngập các lề đường như bán báo dạo vậy. Tự nhiên lại ngớ ngẩn nghĩ tới những người bán thuê ấy. Không hiểu cái khu nhà trọ bánh bao chỉ này sẽ ở đâu nhỉ? Có lẽ sẽ nằm đâu đó cạnh khu nhà trọ của những người bán hủ tíu gõ, xôi vò, cơm rượu...
Thử đoán xem người bán sẽ được bao nhiêu phần trăm trên giá một cái bánh bao chỉ đó?
Thử đoán xem một ngày họ có thể thu nhập bao nhiêu? Cái tủ con con như cái tivi 14inch đó, sức chứa tối đa theo tôi khoảng 1.000 cái.
1.000 cái lận đó. Chắc chẳng có ai xuất sắc trong vai bán bánh bao chỉ đâu nhỉ.
Lan man thế thôi, chỉ là tôi rất thích cái logo dụ khị vui vui đó. Là tôi nhớ cha má, là cái gì nữa tôi không biết, chỉ biết là khi nhìn thấy hàng chữ logo đó, tự nhiên lại nhe răng ra cười mà lòng thật thì buồn và nhớ mênh mông! Cũng không rõ chính xác là mình buồn nhớ cái gì.

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

ĐÌNH VIỆN THÂM THÂM


Chương 1 GẶP GỠ



Lần đầu tiên tôi gặp Tép con là ở bên cái giếng cũ ở góc cùng trong vườn nhà. Đó là một chiều ảm đạm của tôi, ngày mà thế giới của tôi đã tan tành và tôi thấy mình chẳng còn muốn sống. Nhưng trớ trêu ở chỗ, tôi là một người rất sợ ma. Không muốn sống mà sợ chết, thật là mâu thuẫn. Cứ nghĩ đến chuyện tôi phải tham gia vào cái thế giới ma quỷ ấy thì tôi đã sợ chết khiếp rồi. Ai mà biết được khi ta chết rồi, ta có biết hay không. Chuyện người ta nói: Chết là hết! Thực tế, người có thể nói đều là người sống, đâu có ai nói vọng từ đáy mồ.
Cái giếng cũ ấy nằm khuất sau mấy tầng dây leo. Đó là nơi ngày bé tôi thường len lách vào trốn những khi buồn phiền, bị la mắng hay chỉ đơn giản là một chỗ để tôi một mình mơ mộng. Giếng sâu thăm thẳm, tối om om, tạo cho tôi cảm giác nó chứa rất nhiều bí mật. Xung quanh, cây cỏ, dây leo cao và khá dày, tưởng chừng thế giới là của riêng tôi, riêng cả những bí mật mà tôi thêu dệt khi nhìn vào những lớp rêu dày chạy từ miệng giếng xuống khoảng tối hun hút đó.
Từ dạo tôi xa nhà vào đại học, cuộc sống rất nhiều niềm vui. Ngay cả những ngày về thăm nhà, tôi cũng đi cùng bạn trai - người mà với tôi đã từng là tất cả thế giới.
Khi tôi trầy trật để chui vào chỗ cái giếng, ngồi trên miệng giếng, kỷ niệm tuổi thơ ùa về khiến tôi tự dưng muốn khóc thật to. Những giọt nước mắt mặn chát rơi trên tay tôi, rơi xuống bắp chân tôi, chạm vào những vết xước, rát càng thêm rát. Nước mắt ở đâu mà nhiều không tưởng, cứ chảy ròng ròng vào những vết xước của tôi. Cái đau như thức tỉnh tôi và tôi thấy mình rất bình tĩnh nghĩ về mọi thứ. Trong lòng vẫn biết: giữ người muốn ở, không ai giữ người muốn đi. Tôi đã từng nghĩ sẽ trả bất cứ giá nào để giữ người ở lại. Chỉ nghĩ thôi, vì tôi cũng biết, nếu tôi mua được thì tôi không khốn khổ thế này và điều quan trọng là tôi sẽ căm ghét nếu phải trả giá để mua tình yêu đã mất. Còn có thể yêu sao, khi tôi sẽ luôn nhớ rằng tôi phải mua nó.
Những dòng suy nghĩ rất mạch lạc trong tôi lúc ấy, làm tôi nhận ra mình không yếu mềm như mình tưởng, thậm chí còn ngược lại là khác. Sự hiểu biết chính mình thật đau đớn, như là phải qua lửa đỏ mới biết mình có bị hóa tro than hay sẽ thành đá quý. Thành gì cũng mặc, thà cứ ngu ngơ không biết còn hơn phải hiểu biết nhiều như vậy, nếu tôi không phải là tôi, chết chìm, chết cháy... túm lại là chết quách cho xong thì...?!
Tôi đang miên man nghĩ, nước mắt vẫn chảy không ngừng và những ý nghĩ về cuối khiến tôi bắt đầu vừa khóc, vừa cười. Một tiếng nói trẻ con trong veo vang lên bên cạnh làm tôi giật mình, nổi hết cả da gà:
- Nè chị, thôi khóc được không? Người chị làm bằng nước hay sao mà nước mắt chảy hoài không hết vậy?
Tôi ngớ ra nhìn thằng nhóc da trắng bóc, môi đỏ như son, xinh như thiên thần, chỉ trạc bảy-tám tuổi, đang đứng sững ngay bên cạnh từ lúc nào chẳng rõ:
- Em vào đây bằng cách nào? Mà em là ai? Đây là nhà riêng mà?
- Chị vào bằng cách nào thì em vào bằng cách đó. Còn nữa, chị vờ hay thật không biết mảnh vườn này đã đổi chủ rồi?
Cái dáng nó đứng chắp tay sau đít, vẻ mặt nghiêm trang, nói năng lạnh lùng, sắc sảo như người lớn thật là ngộ. Trông nó đáng yêu đến nỗi tôi lập tức quên khuấy mình ngồi đây làm gì. Nước mắt đã ngừng chảy từ lúc nào không rõ. Vẻ tươi tắn, sáng rực đầy hấp lực từ con người nó làm tôi có cảm giác như nước trong xanh thẳm, khi chạm vào, những đau đớn của mình sẽ không còn nữa. Điều tôi muốn làm nhất là dang tay ôm nó vào lòng. Nhưng ngay khi tôi mở tay định ôm nó, nó nhảy cái vèo thật nhanh về phía sau, hai tay vẫn chắp sau đít, miệng càu nhàu:
- Đồ con gái! Động một chút là muốn ôm người ta?!
Tôi ngồi với hai cánh tay ngớ ngẩn treo giữa không khí. Bất chợt, tôi thả tay xuống, trề môi:
- Tưởng mình có giá lắm sao? Không cho ôm thì thôi - rồi tôi sẵng giọng - con nít, chui vào cái hốc bù tó này làm gì, không sợ té cái đùng xuống giếng sao?
- Còn chị, chui vào đây làm gì, định tự tử chắc?
- Ngớ ngẩn. Người như ta đây, đâu có ngu mà chết lãng nhách như vậy.
Nó ngờ vực nhìn vào mặt tôi lúc ấy đang cố ý hất vênh lên, ra cái vẻ bất cần, rồi nó đưa ra một cái khăn mù xoa vải sọc:
- Chị lau mặt đi, sưng húp hết rồi. Vậy sao chị khóc tức tưởi như vậy, còn ngồi lắt lẻo ở thành giếng, tưởng chị muốn nhảy xuống chứ. Chị có biết là em buộc áo chị rồi không?
- Buộc áo?
Tôi hỏi lại và nhìn theo ngón tay của nó.
Trời ơi! Thằng nhóc này thật là…! Cái áo đầm nhiều ren yêu quý, tôi chỉ mới mặc sáng nay, nhân ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học, nó ngang nhiên túm lại, buộc vào dây leo có vô số gút ngắn dài, nhọn hoắt thế kia, ren rua gì cũng tiêu rồi!
Nãy giờ đang bực vì bị thằng nhóc chơi quê, tôi đứng dậy, thẳng tay nắm váy áo kéo thật mạnh. Tiếng vải rách loạt xoạt và tiếng dây leo đứt bựt bựt như củi mục, phần nào làm vơi bớt sự bức bối trong tôi. Ngay vào cái lúc tôi định quay sang nó để nói cho nó biết, rằng nó đã làm chuyện rất thừa, ngoài chuyện làm hư cái áo tôi ra, nếu thật sự tôi nhảy xuống, những gì nó buộc… Tôi đã không nói lời nào ra miệng, khi nhìn thấy ánh mắt thảng thốt của nó đang treo đứng ở đâu đó phía sau tôi. Tôi quay lại, chẳng thấy gì. Tự nhiên tôi thấy sờ sợ, vội hạ thấp giọng thì thầm:
- Sao vậy? Em thấy gì à?
- Không có. Chắc em hoa mắt. Em thường thấy nhiều thứ lạ, ông nội nói em bị hoa mắt. Lúc chiều vào đây, thấy chị ngồi khóc không ngừng, em cũng sợ mình lại hoa mắt. Chỉ đến khi cầm áo chị lên buộc vào dây leo, em mới tin chị có thật.
Tôi nhìn khuôn mặt xinh xắn của nó một lát, rồi thở dài thầm nghĩ: Mình thật là…! Những gì nó làm đều là muốn giúp đỡ mình, không biết cám ơn nó thì thôi, còn tính dằn mặt nó. Đứa bé tốt bụng như vậy, mình là người lớn, lại nhỏ nhen quá chừng!
Tôi nhìn nó gượng cười:
- Xin lỗi em. Em tên gì?
- Mọi người gọi em là Tép con.
- Tên thật của em đó, không phải biệt danh thường gọi.
- Chỉ là Tép con.
- Không muốn nói thì thôi. Chị tên là…
Nó cắt ngang:
- Chị Lý chứ gì, em biết lâu rồi.
Tôi ngơ ngác:
- Làm sao em biết? Ai nói cho em biết?
- Trong kia nói cho em biết.
Vừa nói, nó vừa chỉ tay vào chỗ mấy cái hồ nước cũ nằm ngang, nơi tôi đã sửa sang, kê chắn thành một chỗ trú suốt thời trẻ con của mình. Trong đó còn rất nhiều vật dụng mà tôi đã tha vào. Hơi giật mình, tôi lo lắng chạy tọt vào xem nó có phát hiện ra chỗ giấu những cuốn nhật ký của mình không. Chúng đã biến mất. Tôi quay ra đứng chống nạnh:
- Mấy cuốn tập của chị đâu?
- Nó… bị ngấm nước mưa hư hết rồi.
- Em có đọc nó không?
- Dạ không có...
- Vậy làm sao em biết tên chị?
- Chị ghi đầy trên vách đó thôi. Chắc chị hay quên, sợ quên cả tên mình nên chẳng chừa chỗ nào mà không ghi tên, ký tên hết, làm em muốn ghi tiếp cũng không có chỗ.
Tôi yên tâm, phì cười, ngoắc nó vào theo:
- Đây nè, thiếu gì chỗ trống, ghi đi.
Tôi đưa cho nó cục phấn, vừa nói, vừa xóa những phấn cũ đi. Nó trông rất hào hứng, viết ngay vào đó hai chữ “Tép con” to tướng. Tôi khen:
- Chữ đẹp nha. Em đi học chưa?
- Em có học, nhưng không đến trường. Thầy cô đến nhà dạy cho em.
- Sao vậy? Học một mình không có bạn buồn lắm.
- Ông nội nói, những gì em cần, ông nội sẽ mang hết về nhà cho em.
- Vậy ông nội có mang bạn về cho em không?
- Cái đó thì không.
- Ồ! Vậy thì buồn chết!
Trời đã sâm sẩm tối. Từ xa xa vang lên những tiếng gọi tên Tép con thất thanh. Tôi bảo nó:
- Người nhà em kiếm em kìa. Mình về thôi. Tạm biệt em.
- Dạ. Chị ơi...
- Ừ, gì hả em?
- Mai chị có ra đây nữa không?
- Nếu em muốn...
- Dạ có. Em chờ chị nha.
- Ừ!
Nó đi trước, tôi theo sau. Bây giờ, tôi mới nhận ra là chúng tôi đi theo một lối mòn, ít rậm như lối từ phía tôi đi. Điều này chứng tỏ Tép con thường xuyên đến đây. Tôi rất thắc mắc, Tép con như thiên sứ, hẳn là ai cũng yêu mến, sao phải kiếm một cái góc cô đơn thế này, và cậu bé có vẻ già trước tuổi.
Phía ngoài, chỗ Tép con dừng chân là một vườn cây rộng mênh mông. Tôi nhớ không lầm thì trước đây chỗ này là đất hoang. Nghe nói có một đại gia đã mua nó, rồi bỏ đó hàng chục năm trời. Tôi chỉ đi học có mấy năm thôi mà mảnh đất đó đã thành thế này, cứ như là người ta đã sống và trồng trọt nhiều năm rồi vậy.
Nó quay lại bảo tôi:
- Chị đi dọc theo bờ tre sẽ gặp con sông. Cặp bờ sông có con đường mới mở…
- Chị biết đường về nhà. Thổ địa ở đây mà.
Tôi dừng chân vẫy tay với nó. Nó ngoảnh mặt về phía những tiếng gọi một lát, rồi bỗng nhiên chạy nhanh lại ôm lấy chân tôi. Tôi sửng sốt nhìn xuống mái đầu dễ thương của nó. Còn nhớ hồi nãy, nó đầy vẻ kiêu căng nhảy tránh tôi, còn phang cho tôi mấy từ: đồ này, đồ nọ...
Tôi ngồi xuống, mở tay ra ôm nó. Nó áp mặt vào má tôi. Má nó thơm thơm, rất trẻ con, rất mỏng manh khiến trái tim tôi chìm xuống. Tôi dịu dàng hỏi:
- Sao vậy em? Không muốn về nhà à?
- Dạ.
Nó nói xong, nước mắt đã trào ra. Tôi đưa tay vuốt nhẹ mặt nó, vuốt những giọt nước mắt cho nó. Bỗng nhiên, nó buông tôi ra, tự mình đưa hai tay lau nước mắt, vẻ mặt lại trở nên nghiêm lạnh và nói:
- Không được khóc. Con trai nước mắt quý như vàng, ông nội nói vậy.
Nó bỏ chạy rất nhanh về phía những tiếng gọi, không ngoảnh lại lần nào.
Tôi cứ đứng đó nhìn theo đến khi nó khuất mất sau những bóng cây. Nỗi buồn lại tràn về như thác. Tôi bước dọc theo con đường nhựa mới rất đẹp chạy dọc bờ sông, nước mắt lại tràn ra.
******
Mấy buổi chiều kế tiếp, tôi đều ra đợi với cái laptop trên tay, nhưng Tép con không đến. Tôi lại sắp phải đi. Hôm nay là buổi cuối cùng tôi còn đợi Tép con. Ngồi bó gối trong cái hồ nước vuông vuông, tôi lại nghĩ về giây phút tôi gặp Tép con và lại nghĩ về những giọt nước mắt của mình.
Cuộc chia tay tuy đau đớn, nhưng sau khi nghĩ kỹ, tôi lại thấy mừng. Biết sớm, còn hơn sau này mới biết. Lúc đó, nào họ hàng, con cái... dây mơ rễ má, anh vẫn ngựa quen đường cũ, rồi lại quay về thề thốt, tôi biết mình chắc chắn thà khốn khổ sẽ ngậm đắng, nuốt cay để sống mòn và khi đó, e rằng tôi sẽ không bao giờ còn cười được nữa, mà tôi lại rất thích cười.
Dứt khoát rồi, tôi cũng nên làm cho xong mấy phác thảo đã nhận và đi kiếm việc khác. Ra vào gặp mặt, tôi chỉ sợ mình không thể làm chủ được mình, lại mặc kệ ngày mai mà tiếp tục yêu anh mất! Cảm giác có người đang nhìn mình, tôi mở to mắt, ngẩng đầu. Người đàn ông trung niên đứng chặn ngang phía trước đã kịp quay đầu nhìn khắp xung quanh. Tôi chỉ thấy phần thân nghiêng của ông ta với mái tóc đinh muối tiêu.
Tôi nghĩ chắc là ông nội của Tép con nên ra ngoài và khẽ ho:
- Chào ông, ông kiếm Tép con?
Ông ta quay mặt lại thì tôi biết mình lầm. Ông ta quá trẻ để làm ông nội. Nhiều lắm chỉ có thể làm cha Tép con. Chỉ tại mái tóc muối tiêu của ông ta làm tôi tưởng ông ta đã già. Đó là một khuôn mặt rất ấn tượng vì cực kỳ dễ phác nét cơ bản. Một hai nét cũng đủ nhận ra người. Nhìn chung là gai góc, xương xẩu, nhưng gặp rồi khó quên. Không như anh, mặt mũi thanh tú nhưng phải phác ít nhất là mười nét trở lên thì mới không lẫn với những khuôn mặt khác. Vừa nghĩ bâng quơ, tôi có ý chờ nghe anh ta trả lời. Vậy mà anh ta làm lơ như không nghe thấy và quay lưng bỏ đi.
Tôi bực bội nhìn theo bóng anh ta, rồi mới nghĩ ra rằng anh ta đi theo con đường mòn của Tép con. Thế là tôi lẽo đẽo đi phía sau, cho đến lúc ra đến đường quẹo về nhà mình. Tôi đứng đó nhìn theo cái dáng cao lớn đi những bước dài mà thong thả vô cùng, rất khác với vẻ mặt gai góc khó ưa của anh ta rồi nghĩ:
- Cái góc bí mật của mình bây giờ xem ra chẳng còn chút riêng tư gì hết. Sáng mai, trước khi đi, phải ra đó dọn dẹp thôi.
Buổi tối, sau khi hoàn thành nốt những phác mẫu, tôi tắt máy, tắt đèn, định đi ngủ sớm. Cha gõ cửa hỏi vọng vào:
- Ngủ sớm vậy con? Nói chuyện với cha một chút được không?
- Dạ.
Tôi ngồi dậy mở đèn, mở cửa.
Cha ngồi xuống giường nhìn tôi cười:
- Con sao rồi?
- Con chẳng sao.
- Sắp tới con định làm gì?
- Dạ, con chưa có kế hoạch cụ thể. Có lẽ, trước mắt con sẽ đi kiếm lẻ từng hợp đồng hoặc xin việc ở đâu đó.
- Ừ, cố gắng lên. Tiếc là cha không giúp gì được cho con, chỉ nói suông thôi.
- Có cha ủng hộ là con vui rồi. Cha đừng lo cho con.
Cha nhìn tôi một lúc, ngập ngừng một chút, rồi không nói thêm gì nữa, đứng lên chúc tôi ngủ ngon.
Tôi có thể đoán cha muốn nói gì. May là cha không nói, vì tôi thật lòng không muốn nói gì hết về cái áo đầm bị rách, về chuyện lần đầu tiên sau mấy năm, tôi về nhà một mình, chuyện tôi sao lại phải lập kế hoạch riêng…
Tôi đóng cửa, tắt đèn, lên giường ôm con gấu nhồi bông to mà cha đã tặng vào ngày tôi được tuyển thẳng vào lớp mười. Hồi ấy, con gấu bông mềm như nhung này là thứ xa xỉ duy nhất mà cha mua cho tôi. Nó trị giá bằng bảy giạ lúa thơm. Cha chưa bao giờ xài hoang như vậy. Những gì cha mua đều được tính đến từ nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng, cho đến khi thấy thật sự cần thiết, cha mới thật sự mua. Nghĩ đến cha, tôi thở dài:
- Xin lỗi cha! Sau này con sẽ nói, khi con bình thản. Những gì con nói ra lúc này, có thể là rất phiến diện, thiếu công tâm, gay gắt hay tệ hơn là nói xấu người khác. Thấy con tệ như vậy, cha sẽ không vui đâu.
Tôi nghe tiếng mở cửa trước, tiếng cha nói chuyện với ai đó và cuối cùng là tiếng gõ cửa phòng tôi:
- Con có khách.
- Ai vậy cha?
- Nghe nói là hàng xóm với chúng ta. Nhưng cha không biết họ.
Tôi nghĩ ngay đến Tép con và nhảy xuống đất, chân trần chạy ra.
Ngồi ở bàn nước đối diện với cha là một ông già rất đẹp lão. Không khó để khẳng định đó là ông nội Tép con.
- Chào ông!
Tôi gật đầu và ngồi xuống cạnh cha. Ông già nhìn tôi một cách kỳ lạ, như là đang xẻ tôi ra ấy. Không phải cái cách ghét bỏ hay dò xét gì đâu, mắt ông rất hiền, chỉ là không biết sao tôi cứ có cái ý nghĩ đó. Ông nội Tép con bỗng nhiên chỉ nói rất đơn giản:
- Tép con bệnh, nó muốn gặp con.
- Dạ, tối thế này... đi bây giờ sao ạ?
- Phải. Con yên tâm, hai cha con cùng đi với tôi, sau đó sẽ có người đưa cả hai về. Làm phiền con một chuyến.
- Dạ, không có gì đâu, chỉ cần cha con đồng ý…
- Ta đi thôi.
Cha vừa nói, vừa đứng dậy. Mắt cha thoáng liếc nhìn lên cái đồng hồ treo tường. Tôi nhanh chóng thay cái quần lửng màu đen, cái áo pull ngắn tay màu trắng, xỏ đôi giày thể thao rồi chạy theo sau cha.
******
Ông già vào trong một chiếc xe hơi đang mở máy rì rì. Tôi vừa vào cùng, vừa nghĩ:
- Có xa xôi mấy đâu mà cũng đi xe!
Thật ra cũng không gần như tôi nghĩ, vì xe chạy theo con đường nhựa mới. Nhà Tép con kín cổng, cao tường, theo đúng nghĩa đen của từ này. Trong bóng đêm, chỉ thấy tường rất cao. Cánh cổng tự động chạy qua khi ông nội Tép con nhấn kèn.
Từ ngoài xa, tôi đã nhìn thấy Tép con ngồi trong lòng một người đàn bà đang ngồi trong một cái ghế bành to. Cả người nó quấn kín trong tấm mền màu xanh, chỉ ló cái mặt. Tôi đến gần, Tép con nhìn tôi nhoẻn cười. Dưới ánh đèn, trông nó trắng xanh như làm bằng sứ.
Ông nội Tép con bước lại gần nói:
- Cho cháu xuống đất đi, đừng quấn mền kín mít thế.
Ông nói xong thì quay người ra ngoài hiên. Cha đã ngồi xuống, trò chuyện với ông nội Tép con ở cái bàn bằng đá trước hiên nhà.
Người đang ôm nó trong lòng nhẹ nhàng thả nó xuống đất và tháo cái mền ra. Trong khi bà làm, Tép con cứ dậm chân, vẻ rất sốt ruột. Tép con nắm tay tôi dẫn vào trong một căn phòng rộng rãi, có rất nhiều vật dụng trẻ con mà tôi đoán là phòng nó. Ở đó, đã có hai người phụ nữ trẻ đang ngồi trong hai cái ghế bành to, một đang đọc sách, một đang đan lát. Thấy chúng tôi vào, họ đứng dậy đi ra ngoài. Tôi buông tay Tép con, mỉm cười gật đầu chào họ. Tép con chạy đến bên một chiếc tủ đứng, lục soạn gì đó.
- Chị ơi, lại đây.
Tôi lại gần. Tép con đang mở một tập giấy có rất nhiều hình vẽ nguệch ngoạc, chỉ cho tôi và hỏi:
- Chị thấy em vẽ thế nào?
- Cái này mà gọi là vẽ hả? Con này là con gì kia?
- Con mèo.
- À phải, nhờ có sáu cọng râu. Còn con này…
- Con gà.
- Ừ, khiếp! Con gà gì vậy?
- Chị còn hỏi... Đó là con gà trống mà, nó đang gáy Ò ó o.
- Hi hi, mấy cái chữ O đó làm chị thắc mắc, cứ nghĩ là... trứng đi lạc.
Tép con nhìn mặt tôi một lát, rồi chỉ tay vào trán tôi:
- Chị nha, chọc em.
- Biết rồi sao? Mặt mũi gì mà lúc nào cũng nghiêm chỉnh như ông cụ non. Chọc thêm chút cho em khóc luôn.
Tép con nhìn mặt tôi bắt chước vẻ hình sự của nó, bật cười khanh khách. Tôi phát hiện nó sún một cái răng cửa. Bỗng nhiên tôi nghĩ: có thể chàng nhóc sún răng nên ngại cười cũng nên.
- Hai chị em có chuyện gì vui mà cười nhiều vậy?
Tiếng ông nội Tép con làm cả hai giật mình ngừng bặt. Cha đang đứng cạnh ông. Hai người nhìn vào hai chúng tôi. Ông nội Tép con nói:
- Cha con nói con hiện giờ khá rảnh. Không biết con có thể ở lại làm gia sư dạy vẽ cho Tép con một thời gian?
Tôi quay nhìn cha, cha gật đầu. Tôi quay nhìn Tép con. Nó mở to đôi mắt nhìn vào tôi với vẻ mong chờ.
- Mấy hôm nay Tép con cứ nhắc con mãi.
- Con còn một số việc chưa làm xong.
- Vậy là con nhận lời?
- Dạ. Cám ơn ông đã tin tưởng con.
- Chỉ mong con không thấy bất tiện khi đến đây, vì nhà chúng tôi có một số quy định. Khi nào con chính thức làm việc, con sẽ biết.
Tép con vui mừng:
- Ông ơi, cho chị ở chung phòng với con được không?
Tôi ngắt lời:
- Chị ở nhà, chỉ đến đây dạy em rồi về.
- Chị ở đây với em luôn, không được sao?
- Không được.
- Tại sao?
- Chị thích ở nhà mình.
******
Tép con xịu mặt:
- Sao chị cứ bắt em vẽ mấy cái hình này vậy? Đường tròn thì cứ lấy compa vạch, đường thẳng thì lấy thước, sao cứ phải vẽ tay hả chị?
- Muốn biết phải không?
Tôi chỉ cái quạt bàn:
- Có phải nó gồm những hình tròn, hình vuông, đường thẳng… không nào? Xem nha.
Tôi vạch ngay một đường tròn, hai đường thẳng đứng và hai đường chân nằm ngang phía dưới... Tép con reo lên:
- A! Cái quạt. Để em vẽ mấy cái nút nha. Mấy chữ O, phải không chị?
- Hì, vậy là biết tại sao cứ phải vạch đường thẳng, vẽ mấy cái hình vuông vuông, tròn tròn, nhọn nhọn... rồi hả? Chúng ta phải tập làm chủ đôi tay. Công cụ là để hỗ trợ, không phải để lệ thuộc vào chúng.
- Dạ. Khi nào thì em sẽ vẽ được như chị?
- Ồ! Cứ kiên nhẫn đi nhóc. Nếu em chịu khó thì không lâu lắm đâu.
Trong khi nói, tôi hơi ngoảnh ra phía cửa sổ vì thoáng thấy một khuôn mặt. Nhưng khi tôi nhìn thẳng ra thì chỉ thấy cành lá lao xao. Hình như tôi nghe Tép con trả lời lí nhí cái gì đó về thời gian. Tôi quay lại hỏi:
- Em vừa nói gì?
- Dạ không.
- Chị về nhé.
Tôi lẳng lặng ra cổng. Con đường dọc bờ sông với bờ kè cao, trông rất sạch đẹp. Có một thời, con sông bị đắp đập suốt mười mấy năm. Nước tù đọng, phèn mặn quện với rác, phân người, súc vật... nổi lềnh bềnh. Bây giờ, con đập không còn nữa, trả lại dòng sông nước lớn, nước ròng, trả lại hai bờ cây trái xanh tươi.
Tôi ngồi xuống bờ sông. Làn gió mát trong lành từ phía sông thổi đến, thật dễ chịu. Nó làm tôi thấy mình tự do như mây trên trời.
Khi quẹo vào cổng nhà mình, tôi thoáng thấy xe của ông nội Tép con đang trở về. Hẳn Tép con sẽ rất vui. Tép con rất yêu ông nội, nhưng ông thường xuyên đi vắng. Những khi ông nội ở nhà, nó luôn đi sau ông như dán keo. Ông làm thế nào, nó làm thế ấy. Ông nội nó, thật tiếc, chẳng mấy khi cười.
Mải nghĩ, tôi va vào người từ trong cổng nhà tôi đi ra. Lại cái ông đầu muối tiêu! Tôi bực bội nhớ việc anh ta chẳng thèm trả lời mình khi trước nên chỉ liếc một cái, toan đi luôn.
- Này, ít nhất cũng phải xin lỗi một tiếng chứ, cô va vào tôi kia mà?
- Xin lỗi!
- Từ ngữ gì mà phun ra, nghe đầy mùi khói lửa.
Giọng nói pha chút hài hước, không giống vẻ lạnh lùng khi trước, khiến tôi đứng hẳn lại nhìn thêm một chút vào gương mặt gai góc khó ưa đó. Kỳ lạ, anh ta biết cười, mà còn cười rất tươi nữa! Tươi mấy thì cũng mặc anh ta. Tôi đưa bàn tay xoa xoa trán, lặng lẽ quay đi.
Vào đến nhà, tôi vào trong lấy điện thoại ra, ngần ngừ nhìn cục sắt tôi đã không mở từ ngày ở lại quê. Cuối cùng, tôi cũng thắng được mình, đem cục sắt xinh xinh đó cất trở vào. Chợt nhớ về người tóc muối tiêu từ nhà mình đi ra, tôi kiếm cha hỏi:
- Cha ơi! Khách vào nhà mình khi nãy là ai vậy?
- Đó là con trai người bạn cũ của cha.
- Con biết bác ấy không?
- Con không biết đâu. Chỉ là một chuyến thăm hỏi xã giao thôi. Dạo này con thấy vui chưa?
Cha lãng chuyện là tôi hiểu ngay cha không muốn tôi hỏi gì thêm. Tôi cười rồi ra lan can ngồi nhìn chiều đang tàn trên con đường trước ngõ. Dáng anh chàng đầu muối tiêu xa dần cuối ngõ nhà tôi, in giữa không gian có màu vàng sẫm. Cây lá cuối trời mây sậm, trở màu xanh đen, cứ ngả nghiêng theo từng cơn gió mạnh. Bốn bên đồng không mùa nắng, đất nứt nẻ, cả cỏ cũng héo úa... Tất cả, tạo cho tôi cảm giác anh ta như kẻ cô đơn, lang thang tìm về một vùng trời hy vọng, ước mơ nào đó, dù rằng xem ra, cũng chẳng sáng sủa gì mấy trong buổi chiều tàn này. Tôi chợt bật cười vì những ý nghĩ của mình. Tôi có thể bị không gian và hoàn cảnh chi phối cảm xúc, nhưng không phải ai cũng ngớ ngẩn như tôi. Tự mình thương vay, rồi buồn hộ, dở hơi hết sức.
Từ ngoài ngõ, chiếc xe của ông nội Tép con rì rì chạy vào. Người lái xe mở cửa bước ra là người đọc sách. Cô đến báo cho tôi biết gia đình họ sẽ vắng nhà vài hôm. Khi nào về, họ sẽ ghé qua báo.
- A! Chị...?
- Tú. Tôi tên Tú.
- Dạ, chị Tú! Cả nhà đi ngay trong đêm sao?
- Dạ phải.
- Có cần gởi Tép con...
- Cám ơn cô, Tép con cũng đi với chúng tôi.
Khi Tú ra về, cô bỗng quay lại nhìn tôi cười buồn bã rồi mới lái xe đi.
Tôi ngồi trong bóng tối, nhắm mắt nghĩ lan man mọi thứ. Trong nhà tối om, cha vẫn không bật đèn. Hình như hôm nay cha cũng có nhiều ưu tư. 
******

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

HƯƠNG KHÓI LÊN TRỜI

Hương đang phỏng vấn xin việc. Hai bàn tay cô để trên bàn. Những câu hỏi rất đơn giản như: tại sao lại chọn công việc này, hiểu biết về công ty đó thế nào, có chịu được áp lực công việc, có làm thêm giờ, đi công tác xa… 
- Cám ơn em đã đến dự phỏng vấn của công ty chúng tôi. Em về chờ thông báo sau nhé.
- Dạ. Cám ơn chị. Chào chị.
Hương thở dài. Vậy là lại rớt. Cô đã nhận mấy chục câu: "Chờ thông báo sau" này rồi. Đó là cách từ chối cho dễ nghe.
Lấy điện thoại ra, cô mở máy, có một cuộc gọi nhỡ của mẹ. Nghĩ đến mẹ, cô lại nghĩ về tương lai mù mịt và một hiện tại làm việc thời vụ, trôi nổi hết nơi này đến nơi khác. Công việc không ổn định. Tiền bạc không ổn định. Nhà cửa không ổn định. Rất nhiều thứ cơ bản không ổn định. Điều lo phiền nhất của cô là làm mẹ thất vọng.
Giấc mơ của cô là học thật giỏi, kiếm được việc tốt và có thể chăm lo cho mẹ những năm tháng cuối đời nhàn hạ, sung sướng. Cô biết mình không thông minh bằng người, nhưng cô có thể bù đắp bằng sự chăm chỉ.
Sự chăm chỉ như cái nhãn dán trên trán cô suốt những tháng năm cắp sách. Cô chưa bao giờ xếp hạng đầu, lúc nào cũng dưới vài cái tên. An ủi mình thì có thể bảo nằm trong nhóm top ten. Rất nhiều bạn học của cô tranh thủ làm thêm, có khi bỏ học hàng tuần để đưa khách du lịch đi tua. Tiền đến tay mà không làm thì phí quá. Cô không dám làm như thế vì sợ bị cấm thi.
Cô không dám làm rất nhiều thứ vì mục đích chính của cô là học. Lúc nào cô cũng nhớ hình ảnh mẹ ngồi ở rìa chợ, bên những bó rau, lam lũ đến thương.
Cầm mảnh bằng đại học cả năm mà chỉ như một sinh viên với công việc thời vụ, làm sao ăn nói với mẹ? Mẹ sẽ không thể hiểu tại sao thành phố đầy những cử nhân thất nghiệp đang kiếm sống bằng nhiều nghề trái tay khác nhau như cô. Mẹ nghĩ con gái ở thành phố sẽ bay cao, bay xa. Mẹ không hề biết cô đã về tỉnh xin một chân giáo viên cũng bị từ chối vì đã đủ người. Vừa nghĩ ngợi, Hương vừa nhấn số:
- Mẹ yêu ú ù!
Tiếng cô cười trong vắt rất vui tai. Mẹ cô cười mắng:
- Sao bây giờ mới gọi lại?
- Mẹ biết rồi mà, con bận. Mẹ yêu gọi, mừng thấy mồ, trừ khi không thể bắt máy.
- Giả bộ huyên thuyên. Nhớ tự chăm sóc mình, đừng mải làm bỏ bữa nghe.
- Dạ. Mẹ đừng lo.
Những lời dặn dò của mẹ như cuộn cassette yêu thương mà cô thuộc lòng. Mỗi lần nghe giọng mẹ, cô lại nhớ rất nhiều thứ và tự trách mình không cố gắng hơn nữa. Nhiều khi cô cũng không biết mình phải cố gắng bằng cách nào để có một kết quả có chút đường mật gì đó. Ăn quả đắng mãi, hình như rút gần kiệt sức chiến đấu trong cô mất rồi. Kiếm được việc, tạm đủ sống qua ngày, một ít làm quà cho mẹ, không dành dụm được chút gì cho ngày mai, thật thảm hại.
Mệt mỏi quá, hay mình cứ nhận lời đề nghị của Thức, học một khóa bartender rồi về làm công cho anh ta? Lương cao, lộc nhiều, cho con người năng động trong môi trường nhiều cạnh tranh. Con gái miền Tây học nghề bartender thì hợp quá còn gì. Đó là cách nói của Thức. Nếu không phải Hương quá biết về Thức, người từng một thời theo đuổi mình thì cũng không phân biệt đâu là lời thật, đâu là lời hư. Lời hư nằm ở câu đầu: lương cao, lộc nhiều, năng động, cạnh tranh. Nghe như là nhân và quả. Thế gian này không giống cổ tích đâu. Gieo một đống nhân chẳng có quả nào, bình thường thôi. Con người sống thuần lý trí như cô không tin cái gì trên trời rơi xuống.
Thủy dặn cô chuẩn bị để Tuân ghé đón cô đến dự khai trương cái quán cà phê sân vườn ở ngoại thành. Hai người bạn này của cô từng là những thủ khoa đầu vào, nhưng rồi lại giỏi chạy sô kiếm tiền hơn là đến lớp. Cứ nhìn vào cách sống quay như chong chóng, đủ thấy tính cách họ khác cô một trời một vực. Vì lý do chỉ có trời mới hiểu, bọn họ lại rất yêu quý cô. Tình cảm là một thứ không thể dùng lý trí để phân tích logic.
Khi Tuân chở Hương đến nơi, Thủy đã đứng đợi ở cửa. Mọi thứ dường như đã sẵn sàng cả rồi. Có khi họ thức cả đêm qua để làm cũng nên. Khung cảnh trang trí rất đẹp. Sang trọng với thủy tinh trong suốt và những gỗ, đá mộc làm bàn ghế. Rất thơ với những cây xanh, hoa hồng đã lác đác nụ non, những giỏ hoa, lúa khô... trong tiếng nhạc hòa tấu êm dịu. Hương nhắm mắt lại, hít thở thật sâu. Có chút gì như máu hoang dã, cứ chảy cuồng trong trái tim cô với nỗi nhớ đồng quê đến nghẹn ngào.
Tiếng Thủy kéo cô về thực tại:
- Thấy sao hả mọt sách? Có mơ màng không?
Hương cười. Thủy chỉ mình và cô gái lạ đang vào cùng Tuân:
- Bộ chỉ huy đây.
Cô gái mỉm cười, hiện rõ bốn cái đồng tiền duyên dáng quanh khóe môi và đưa tay nắm tay Hương, tự giới thiệu:
- Thư.
Bộ ba tự tin, thoải mái đó làm Hương thấy mình thật lạc lõng. Tuân chỉ vào cái bàn đá ở góc cùng:
- Bọn mình lại kia nói chuyện một chút.
- Tớ xin lỗi, nhưng tớ phải về đi làm.
- Bỏ việc đi, về đây làm. Bọn mình có dành hẳn phòng riêng cho Hương ở lại, không phải thuê nhà trọ nữa. Lương trước mắt không cao, nhưng ổn định.
Lang thang suốt một năm ròng với đủ thứ công việc, còn gì làm Hương thích hơn hai từ cuối đó: ổn định. Nhiều thứ trong cuộc sống của cô sẽ được sắp xếp trật tự. Cô luôn thấy an toàn khi có trật tự. Đó là trước mắt thôi, có cái gì là mãi mãi đâu.
Căn phòng dành cho cô ở sân thượng, có một giàn lan, nhìn là muốn ở lại rồi. Cô áy náy khi nghĩ đến việc mình chẳng phụ giúp họ gì trong những ngày chuẩn bị, ăn sẵn thế này, nhận việc, cô phải cố gắng hết sức.
Ba chủ nhân, sau khi cô quen việc thì chỉ mỗi ngày ghé qua một lần để xem sổ sách thu chi, việc kinh doanh khoán trắng cho cô. Họ làm gì bên ngoài, nếu muốn nói thì Hương nghe, còn không thì cô cũng không hỏi.
Thủy thường nán lại lâu hơn để kể cho cô nghe đủ thứ chuyện. Những câu chuyện có Tuân làm trung tâm là đủ hiểu tình cảm Thủy như thế nào. Bộ ba như hình với bóng đó thật phức tạp. Thủy chỉ nói nửa chừng nhưng Hương hiểu: cái quán sân vườn bề thế này chỉ là một bức bình phong. Ở cái thành phố bon chen này, họ có thể làm gì? Tự nhiên, cô lại thấy bất an.
Ngày của cô bắt đầu từ sáng sớm, kéo dài đến nửa đêm. Hôm nào cũng như hôm nào, cô đều ngủ quên bên chiếc máy vi tính trong khi tính toán sổ sách và ghi chú công việc cho ngày mới. Trong ba năm quản lý, cô đã biến cái quán cà phê sân vườn ngoại ô thành một nhà hàng khá đẹp, tuyển thêm đầu bếp, nhân viên phục vụ, bản thân cô thỉnh thoảng kiêm luôn chân pha chế cocktail. Sự phát triển đó là nhờ bộ ba chủ nhân luôn ủng hộ những đề xuất của cô, chấp nhận nhập lãi để cải tạo thành nhà hàng sân vườn. Nhưng họ bỏ mặc cô xoay xở với công việc như núi. Có lần Hương hỏi Thủy: “Nhà hàng làm ăn thuận lợi, sao ba người không tập trung về đây, cứ chạy sô suốt, bên ngoài có việc kiếm nhiều tiền lắm à?”. Thủy nói như đùa: “Vì Hương mới mở cái quán này, làm cho tốt vào”. Hương mỉm cười, biết có hỏi cũng không có câu trả lời thật sự, muốn tin thì tin, không muốn tin thì quên đi.
Hương gần như quên thời gian trôi qua bao lâu. Cô từng rất thích trật tự, nhưng bây giờ, cái trật tự mỗi ngày đó làm cô mệt mỏi muốn phát điên. Những buổi chiều, khi cố chống chọi cho qua cơn buồn ngủ bằng những tách cà phê đặc quánh, cô đều trải qua tâm trạng chán nản, bi quan cùng cực. Qua cơn buồn ngủ thì đâu lại vào đó, sức sống tràn về và cô lại có thể cười rất tươi.
Một buổi tối, như mọi khi, Hương đang ngủ gục trên bàn thì nghe tiếng khóc nức nở. Cô mở mắt, quay nhìn. Thư đang nằm dài trên giường cô, mặt úp xuống gối. Một người khóc ở đây, vậy là bộ ba có vấn đề. Hương ngửa đầu ra ghế xoay, nhắm mắt một lát cho đỡ nhức trán. Ôi! Tất cả đều có vấn đề, chỉ đợi thời gian chín mà thôi. Hương thầm thở dài và chờ Thư thôi khóc.
Hương không ngờ là chuyện lớn hơn cô tưởng. Gần sáng, cô nhận được tin Thủy đã mất. Thư quáng quàng chồm dậy cùng cô chạy đi.
Tuân ngồi cạnh xác Thủy, vẻ bơ phờ như người mất hồn. Thư ngồi xuống bên cạnh rồi gục xuống xác Thủy, khóc òa lên. Hương ngồi bệt ra đất, dựa lưng vào tường, ngơ ngác không hiểu gì cả.
Tiếng chuông điện thoại reo nhiều lần nhưng cả hai không buồn bắt máy. Hương mở máy Thủy. Đầu dây bên kia là một giọng đàn ông lạnh lùng nhắc:
- Ngày mai là hết hạn rồi đó.
Hết hạn gì, Hương chưa kịp hỏi, ông ta đã tắt máy.
Cái nhà hàng sân vườn phải giao cho người khác. Hình như họ đã trắng tay sau cái chết của Thủy. Tuân bỏ về quê, không thấy liên lạc gì nữa. Thư trở về Bắc, thỉnh thoảng có liên lạc với Hương qua mạng. Hương vẫn không hiểu câu chuyện thật sự là thế nào.
Sự chăm chỉ của Hương cuối cùng đã có kết quả. Cô giành được một suất học bổng du học. Mấy năm sau, có dịp đi ngang quê Tuân, Hương tìm đến nhà. Người nhà cho biết Tuân đang khai thác vàng ở đâu đó. Xem ra, Tuân vẫn không thay đổi.
Thư nghe Hương nói đang trên đường ra Bắc, liền cho địa chỉ hẹn cô. Thư đến cùng một thằng nhóc vài tuổi rất xinh, quen mặt vô cùng. Hương hỏi:
- Tuân có biết không?
- Biết. Nhưng may là Tuân không đến tìm mẹ con mình.
- Sao lại thế?
- Tuân là týp người rất dễ cuốn hút người khác, như lò lửa, sống cạnh sẽ bị cháy lúc nào không hay. Lúc Thư biết mình có mang, cũng nhận ra mình không phù hợp với lối sống phập phồng lo âu thế nữa. Cho đến bây giờ, Thư cũng không biết Thủy chết vì biết mình có con với Tuân hay chết vì vỡ nợ. Bọn mình làm bao nhiêu cũng không đủ cho Tuân. Tuân vốn máu mê bài bạc và cá độ. Thế đấy! Bây giờ vẫn phải trốn nợ. Có dạo bọn đòi nợ còn ra tận đây kiếm Tuân.
- Thư dạo này thế nào?
- Công việc công chức, cũng đủ sống. May là thằng bé rất khỏe mạnh và rất ngoan, ông bà ngoại yêu lắm. Nghĩ về những ngày xưa là mình lại thấy sợ.
Cách Thư nói như là Thư đã già lắm. Hương mỉm cười nhớ lần đầu tiên gặp Thư, cũng vẻ duyên dáng, dịu dàng không khác mấy bây giờ. Ừ, có lẽ bây giờ ra vẻ một bà mẹ yêu con, không có thứ lửa cuồng nhiệt cháy trong mắt như hồi đó. Chỉ khác thế thôi.
- Mãi nói chuyện mình, quên hỏi Hương. Bạn về nước luôn hay sẽ đi nữa?
- Đi đi, về về.
Thư nhìn Hương một chút rồi quay đầu nhìn ra hàng cây ngoài đường khẽ nói:
- Thủy ở trên trời thấy Hương được như vậy sẽ rất vui. Thủy nói luôn yêu mến Hương vì Hương rất ngoan, rất thương mẹ, lại chăm chỉ, có thể tin cậy được. Một ngày nào đó sẽ tiến xa.
- Thế ư!
Hương lại thấy nghẹn ngào trong lòng khi nhớ câu Thủy trả lời lúc cô hỏi vì sao mở cái quán cà phê sân vườn ấy mà không  tập trung phát triển nó, và dáng Thủy nằm trên giường, khuôn mặt trúng độc thâm đen, sưng phù, dù cô cố xóa, nhưng vẫn quay lại với những hình ảnh lúc nào cũng sống động, mới toanh. Bây giờ, cô hiểu mình không cần phải cố xóa nữa. Những gì nên nhớ, cô sẽ nhớ. Những gì nên quên, cô sẽ quên. Ít nhất, cô sẽ giữ mình như trong mắt bạn, một người có thể tin cậy được. Đơn giản thế thôi.
******