Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Tam đoạn luận

 Ảnh của Ivars Jansons


Tôi yêu âm nhạc và yêu thích nước. Cả hai thứ đều cho tôi cảm giác mình được gột rửa. Sự êm ái của âm nhạc và sự mềm mại của nước; đó là nguồn gốc của tính cách tôi, không khẳng định bất cứ thông tin nào, ngay cả khi mắt thấy, tai nghe. Như tôi còn nói với chính mình: Tôi làm chưa hẳn là có, tôi không làm chưa hẳn là không.
Những gì bạn thấy, có thể chỉ là nhân trong quả hay quả trong nhân, chuỗi tam đoạn luận mà để suy nguyên nhân - kết quả, có nhiều khi chỉ đưa đến một điều, thà không biết còn hơn. Nhưng mấy ai chịu hiểu điều đó! Người ta đoán già, suy non, quy nạp rồi phân tích… tạo  thành một khúc hợp tấu “lên xe lam - xuống xe buýt” theo kiểu bầy đàn, nhưng nghe mãi thành quen, nghe quen thành tin, tin rồi sẽ có thành kiến; mà cái gì đã là thành kiến, trăm sông không thể rửa, tốt xấu lẫn lộn. Chính vì sợ mình sẽ có thành kiến, tôi luôn nhắc mình phải biết nghi ngờ. Chính vì sợ một thế giới bầy đàn, tôi luôn nhắc mình lấy trái tim hướng thiện làm tâm điểm. Bởi vì, khi người ta ở trong guồng quay của một cơ chế hay một thế lực, vì nhiều lý do, người ta phải hát cùng một tông, chưa hẳn đầu cũng nghĩ cùng một thứ, quan trọng là trong mớ rối ren quyền-thế-tiền-thân-dân đó, người ta có thể làm được gì cho đời, chỉ kết quả thôi. Chúng ta luôn luôn là chúng ta, không phải và không thể là người khác.
Với tôi, tam đoạn luận giống như những hợp âm cơ bản, sự kết hợp tưởng như rời rạc của các gam, nhưng thật ra luôn theo một quy luật nhất định. Bạn không thể phối một giai điệu buồn bằng những hợp âm trưởng và ngược lại, bạn không thể phối một giai điệu vui bằng những hợp âm thứ. Nhưng trong tận cùng của âm thứ, tận cùng của nỗi buồn, người lạc quan sẽ vẫn nghe thấy sự quyết tâm của lòng tin: khóc cho hết nỗi buồn rồi mỉm cười đi tới những ngày mai.
Có thể ngày mai mà bạn mơ ước sẽ không bao giờ tới, nhưng ước mơ đó như một cánh buồm giữa biển đời mênh mông. Những khi quá mệt mỏi với thị phi, với nhiều việc mà rất khó vượt qua chính mình để thôi buồn phiền, hãy nhớ đến cánh buồm mơ ước của bạn. Đó là điểm đến mà bạn sẽ tới vào một ngày nào đó và bạn sẽ không để mình bị lạc lối giữa biển đời mênh mông.
Niềm tin đó, ước mơ đó như một bức tường thành bao bọc bạn khỏi thế giới thị phi quanh bạn, bạn sẽ dễ mỉm cười, dễ quên vì bạn có một nơi để đến vào... một ngày nào đó.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Cụm từ nghe cực kỳ chính trị nhưng tôi rất thích, vì mọi thứ không trên trời rơi xuống, hãy cứ gieo nhân, nếu cơ hội tới, ta sẽ nắm bắt được. Ví như tôi có ước mơ, tôi phải làm việc để biết mình có khả năng thực hiện hay không. Trong quá trình làm việc, một là đúc kết kinh nghiệm cho mình, hai là có thể vạch đường lối thực hiện ước mơ... Lối đi dưới chân mình là thế, phát triển bền vững là thế, đừng mơ sự ăn may. Tôi rút được từ cụm từ này chỉ đơn giản một chữ: tiến. Tiến trong mỗi ngày học một ít để tiến bộ. Tiến trong mỗi ngày làm một ít để hoàn thành dự định. Tiến trong đi tới, không để cho ngoại cảnh, ngoại vật làm mình lạc hướng.

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Thế giới bầy đàn

Ảnh của Ivars Jansons


Tôi thường lười suy nghĩ, chỉ nghĩ cái gì tôi quan tâm, không để tâm rằng quanh tôi người ta nhốn nháo thế nào, làm quá đáng thì tôi ngạc nhiên đó rồi quên ngay. Tôi biết, nhờ tôi như thế mà tôi dễ cười, nụ cười gió thổi là tan, chẳng có ý nghĩa gì sau những nụ cười đó, vì trông vậy mà chỉ rỗng tuếch thôi, y như con người tôi vậy, chỉ còn cái vỏ người, hồn phách cũng không hiểu thật sự ở đâu, tôi còn kiếm không ra mình nữa là...
Tôi vẫn rất thích một câu trong cuốn Mặt đất và con người của Êxury-Xanhtêx: Trong một thế giới mà sự sống nối chặt với sự sống, mà những bông hoa nhận ra hết những bông hoa, mà những con thiên nga nhận ra hết những con thiên nga, thì chỉ có con người tự tạo nên sự cô đơn của mình. Không ai làm bạn cô độc, chỉ có chính bạn tự tạo nên nó khi bạn không biết hoặc không thể hòa nhập vào thế giới quanh bạn.
Có lần tôi đi trên đường, trông thấy hai người cãi nhau hăng hái, người nào cũng tìm cách phân bua với đám đông hiếu kỳ bu quanh để tranh phần phải, phần lý về mình. Điều tôi cảm nhận lại là, khi hai người cãi nhau, bất kể ai đúng ai sai, đều là tệ cả. Không kềm chế được sân si hỉ nộ trong lòng, mở một sân khấu mini, tự làm diễn viên cho người người xem, nghĩ thôi đã thấy rợn cả người.
Nhiều người có những "ước mơ vươn tới các vì sao", tôi không có giấc mơ nào cả, chỉ có công việc yêu thích và công việc không yêu thích mà thôi. Mỗi ngày của tôi, chỉ cần biết hàng đống việc đang chờ mình, dù là yêu thích hay không, tôi đều tập cho mình thói quen biến nó thành một thứ trò chơi. Cuộc đời thật ra đơn giản nếu tôi biết đơn giản nó. Điều này, khi qua tuổi ba mươi, tôi mới làm được. Kể từ đó, trái tim tôi nhẹ nhàng, lòng tôi mở ra, không lạnh nhạt mà hay cười hơn.
Trong đời, tôi ghét nhất hai điều: một là lệ thuộc kinh tế, hai là lệ thuộc tình cảm. Với một người nhu cầu đơn giản, ghét phù phiếm, phung phí như tôi, tự chủ kinh tế cũng tự nhiên như là hít thở vậy. Muốn tự chủ trong tình cảm, ngoại trừ tự yêu mình, chẳng bao giờ có thể tự chủ được cả, luôn luôn là lệ thuộc.
Tôi vẫn hay cười chính mình: Có lẽ dòng máu “người nông dân nổi dậy” vẫn chảy rất mạnh trong tôi nên hai từ “lệ thuộc” vĩnh viễn rất phản cảm.
******