Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

CHIẾC CẦU TRÊN CON SÔNG MƠ

(Ảnh: VN Thư quán)
Chiều nay dạo cửa hàng, đã có một kiểu chai mới. Dáng chai hình lập thể thanh thanh, lại mỏng mảnh, trong sáng đến nao lòng.
Tôi cầm cái chai để giữa lòng bàn tay. Hình ảnh không gian ba chiều phản chiếu ánh đèn néon vào thủy tinh trong suốt. Chỉ trong tíc-tắc của thời gian, hàng loạt ý nghĩ chảy qua nhau khi thị giác tôi ghi nhận hình ảnh cái chai và chất dầu vàng óng trong đó, gợi tôi nhớ đến nhiều hình ảnh ở nhiều không gian khác nhau và chúng hoàn toàn không có tên gọi.
Dường như đó là chút nắng chiều lọt qua ngạch cửa, gió đồng mơn man quyện mùi khói lá, hương đồng nội tinh khiết và tiếng chuông chùa đâu đó thoáng đẩy đưa.
Dường như đó là dòng sông cái phẳng lặng xanh tận chân trời, chợt vỡ òa bởi một vầng sáng đỏ tươi đang từ từ lan rộng, rồi thái dương tròn như một đầu dấu hỏi nhô lên.
Dường như đó là tiếng nhạc hòa lẫn tiếng sóng biển, tiếng hải âu trong những phút giây dịu dàng của mối tình đầu…
Màu vàng ô liu thật sang trọng, giống màu thu vàng của Levitan quá, và nước thủy tinh bị sạm đi…
Thường thường, hình ảnh lọt vào mắt tôi đều làm cho ý nghĩ hoạt động. Nếu nó ứng với một không gian buồn trong tiềm thức thì ngay lập tức tôi sẽ cảm thấy dâng lên trong lòng nỗi cô độc đến gần như rũ riệt người đi. Nhưng nếu là một không gian vui, tôi lại mủm mỉm cười một mình.
Lại bắt đầu hết một ngày. Tôi nhìn bóng chiều hắt lên đầu những tán sao dầu cao cao, nhìn làn gió nhẹ vờn những chiếc lá, không khí nóng hầm đang dịu đi và chợt nghĩ, con đường về nhà mình là một trong những con đường đẹp nhất thành phố.
Hồi đi du lịch Bắc-Nam, tôi đâu có nhớ đường Điện Biên Phủ vì nó có nhiều hoa, cũng đâu có nhớ đường Phạm Ngọc Thạch vì những tán me già như tổ tông, tôi chỉ nhớ con đường về nhà mình mà thôi.
Chẳng đâu đẹp bằng kỷ niệm trong trái tim mình. Tôi đã đi qua rất nhiều nơi. Tôi cũng nhìn thấy rất nhiều cảnh đẹp. Nhưng bao giờ cũng vậy, tôi đều nhìn thấy trong mỗi vẻ đẹp đó có chút gì của nỗi nhớ nhà trong trái tim tôi.
Hồi lên Sapa, trong cái lạnh khiến hai hàm răng tôi không ngừng đánh bò cạp, đường phố, nhà cửa, cách ăn mặc…, chẳng có chút gì giống miền Nam nóng bức. Để chống lại cái lạnh, thoạt đầu, tôi mặc rất dày: bên trong là bộ thun thể thao ngắn tay có nón, chiếc áo khoác da và thêm một chiếc áo khoác dài phủ đầu gối. Thật ra, tôi cũng không cảm thấy dễ chịu cho lắm. Dường như mồ hôi vẫn âm thầm tuôn trên da, gặp khí lạnh thì bay trở vào.
Lang thang trên đường dốc thoải một lúc thì tôi chỉ còn phong phanh bộ thun thể thao và một đống áo vắt vẻo trên tay. Đang cắm đầu ngược dốc, tôi chợt thấy ngay trước mắt mình một đôi giày len xù màu đỏ. Ngẩng lên, tôi nhìn thấy một cô bé tí xíu, xù xù đỏ từ đầu tới chân như một con gấu con màu đỏ, đôi má cũng đỏ và đôi môi xinh thì càng đặc biệt đỏ. Đôi môi đó đang véo von như hát:
- Cô mặc thế thì rét chết. Cô phải làm thế này này...
Vừa nói, bé vừa nhảy lò cò. Những chùm len đỏ trên chóp mũ và trên đôi giày ngật ngưỡng chẳng biết nên nghiêng hay nên gật. Còn tôi thì đứng như thủ thế vì sợ nhỡ ra, con gấu đỏ tròn quay ấy lăn cù xuống dốc thì nguy. Vừa lúc ấy, mẹ bé đã chạy tới, bồng xốc nó lên:
- Mẹ vừa quay mắt, con lại đi chọc phá người ta phải không?
Cô bé vừa giẫy dụa để tuột xuống, vừa ngoái đầu nhìn tôi, đôi mắt đen láy lóng lánh nét cười nghịch ngợm. Còn tôi thì phải khoác vội áo vào vì đứng một chỗ nên sắp bị rét chết thật. Kể từ giây phút ấy, tôi đã xếp Sapa vào không gian vui trong bộ nhớ. Bởi vì cô gấu con màu đỏ đó thật giống đứa cháu tôi ngày nó lên ba. Trong bộ đồ ông già Noel, nó cũng đỏ và tròn quay như con vụ. Bàn tay bé nhỏ vừa vạch lên tường những đường ngoằn ngoèo vừa tự hỏi:
- Con gì đây? – rồi bé tự đáp - con giun!
Tôi đã ngỡ ngàng hỏi bé:
- Sao con biết đó là con giun?
Đôi mắt bé tròn xoe đầy kinh ngạc, khiến tôi phải vội trả lời:
- Phải, đó là con giun.
Tôi biết con giun. Nhưng bé thì làm sao biết con giun? Giun có nhiều loại. Và bé nói… là con giun nào mới được chứ nhỉ?
Tôi thường ghi nhận mọi thứ, để rồi dùng nó như một chiếc cầu bắc trên con sông ký ức mãi mãi chảy và ngày càng đầy hơn. Ai có thể thấy sông Ngân Hà, thấy cầu Ô Thước, thấy chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ? Nhưng những giọt mưa Ngâu – nước mắt của họ thì rất thật. Ký ức có thể thực, có thể nhạt nhòa... Điều thật nhất là tôi đã thấy mình bắc cầu trên con sông ký ức mơ màng đó, rồi vui, rồi buồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét