Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

HOA TUYẾT


Nhiều người cùng chứng kiến cảnh một chiếc xe hơi phóng như bay trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, phía sau là chiếc mô tô cảnh sát rú còi inh ỏi. Người đi đường kinh hoàng dạt cả vào hai bên lề. Khi lên cầu, gió lồng như lốc, chiếc xe bỗng như bay lên, ngoặt một góc ngang, bay luôn xuống sông.
Người đàn ông bên trong chiếc xe đang chìm sâu xuống, cố hết sức để mở cánh cửa đang bị nước ép chặt. Nước đang từ từ tràn vào trong xe. Mãi đến khi chiếc xe chạm đáy sông, trong nỗ lực cuối cùng, anh ta mới mở được cửa xe và thoát ra ngoài. Lúc đó, anh ta mới nhận ra chân mình bị chuột rút cứng đơ. Hai cánh tay anh ta quạt cuồng loạn để nổi lên mặt nước.
Mấy phút trước, dưới tận cùng đáy sông, cận kề cái chết ngộp, thời gian chỉ tích tắc mà anh ta thấy rất nhiều hình ảnh, như là đã xuống địa ngục. Còn bây giờ, bầu trời trong xanh và ánh nắng vàng như mật... sao mà đẹp thế! Chỉ có thân xác vẫn nặng ì vì những hình ảnh ban nãy vẫn quanh quẩn đâu đó. Nước mắt và nước mắt... Những khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt đó, hình như đều là người xa lạ. Nhưng trong những giây phút giành giật thời gian với tử thần, anh ta lại thấy rõ mồn một, lại tưởng chừng quen biết họ?
Dòng suy nghĩ của anh ta bị đứt đoạn khi người bị những cánh tay chạm đến. Những tiếng nói như vọng về từ cõi nào, anh ta nghe đó mà không hiểu họ nói gì. Cảm giác da thịt bị trầy xước, rát bỏng, anh ta nghĩ mình cần phải đứng lên đi, không để bị xốc-gập rất ngộp thế kia. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ. Mệt mỏi rã rời, anh ta luyến tiếc nhìn bầu trời xanh vô tận một lúc nữa rồi chìm vào vô thức.
Đội trưởng Tân gọi Hoa Tuyết vào. Để xem cô gái duy nhất được giữ lại làm trợ giảng trường Đại học An ninh do thành tích học tập xuất sắc, không phải nhờ thân thế, quan hệ này làm ăn ra sao; hy vọng cô không hời hợt đến mức sẽ giao cho anh một trang báo cáo ngắn gọn, chỉ gồm năm W một H (Who, what, where, when, why, how).
Mặt khác, anh lại mong cô giỏi như những hồ sơ mà anh đã đọc về cô, khi cô còn đang học ở trường. Vì rằng vụ này đã có người nhân danh cấp trên của anh, yêu cầu làm cho: lớn-nhỏ, hóa không. Chưa hiểu chuyện gì mà đã chỉ đạo trước, Tân rất dị ứng. Người gọi này tưởng anh là ai? Trước mắt, cứ giao việc cho lính mới rồi sẽ tính tiếp.
Khi gọi Hoa Tuyết vào, trong lòng anh thì nói: “Cố lên lính mới, đừng làm tôi thất vọng”. Ngoài mặt, anh lại nói với cái vẻ rất hách dịch: “Ngắn, gọn và đơn giản thôi nhé. Vụ này dễ như ăn bắp, làm không xong nữa thì về tỉnh đuổi gà đi”.
Hoa Tuyết nghe và nhận nhiệm vụ với khuôn mặt bình thản. Những lời quan cách của anh hình như không làm cô chú tâm, chạnh lòng.
Nhìn Hoa Tuyết, Tân thầm nghĩ: một khuôn mặt tươi cười nhưng lại không dễ nắm bắt được suy nghĩ bên trong, đó mới là kiểu nhân viên anh cần. Một khuôn mặt quá biểu cảm, thường là người kém năng lực kềm chế bản thân. Người như thế chỉ thích hợp làm diễn viên, không thích hợp làm nhân viên điều tra. Anh thú vị nhìn cô lính mới.
Hoa Tuyết vừa tốt nghiệp Đại học An ninh. Lệ thường, một sinh viên tỉnh như cô sẽ trở về tỉnh, một cái ghế quan chức công an cấp huyện đang chờ cô. Nếu không có gì trục trặc, đường quan hanh thông, có một ngày cô sẽ lên tỉnh và có thể còn đi rất xa. Giấc mơ của cô, đơn giản chỉ là thích giải những câu đố. Tốt nghiệp hạng ưu, cô được giữ lại trường và gia nhập vào đội điều tra đặc biệt của thành phố.
Ngay từ bé, cô đã được xem là nghịch ngợm phá trời; không phải vì cô lắm trò phá phách, mà bởi vì cô luôn hỏi "tại sao?". Thông thường, một đứa trẻ luôn xem lời giải thích của người lớn là đúng. Mà thật ra đúng hay sai, cũng chẳng mấy đứa trẻ quan tâm đến. Chuyện chúng quan tâm còn xa mới tới những chuyện người lớn đang dạy bảo với nhóm từ cuối câu muôn thuở: “Có nghe chưa, có hiểu chưa?”..., cứ gật đầu như máy: “Dạ nghe! Dạ hiểu!”. Thế giới trở nên hòa bình, có thể co giò chạy biến để làm những chuyện trẻ con quan tâm. Hoa Tuyết thì khác, cô sẽ đặt lại câu hỏi cho đến khi thật hiểu mới thôi. Trẻ con mà hiểu được hết lời người lớn nói thì đâu phải trẻ con. Vậy nên rủi mà bị cô bé ám với những câu hỏi: “Tại sao?”, thì ai cũng nói dăm câu rồi kiếm cớ cho qua để thoát cho rảnh. Ú ớ thì còn ra thể thống gì chứ?!
Ngày cô quyết tâm thi vào Đại học An ninh, ba mẹ đã làm mặt giận với con gái. Được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm, ra trường có thể ở gần ba mẹ, công việc hành chánh nhàn nhã, rồi cho ông bà mấy đứa cháu để bồng bế vui tuổi già… Một viễn cảnh tươi đẹp vậy, lại trở thành “giấc mộng đêm hè” chỉ vì Hoa Tuyết muốn làm cảnh sát điều tra.
Ông bà cũng biết một người như con gái mình, một khi đã đi, chắc chắn là sẽ khó trở về, trừ khi ông bà cố tình tác động để buộc cô học xong thì phải quay về tỉnh nhà. Nhưng làm vậy, rồi cô cũng sẽ biết. Gì chứ chuyện cô nổi giận thì ông bà phải giơ tay đầu hàng. Cô không làm gì cả, chỉ lạnh lùng như đá cũng đủ sợ rồi.
Anh đội trưởng bảo một vụ “dễ như ăn bắp”, giao vào tay một người lúc nào cũng tự hỏi mình rất nhiều câu hỏi “tại sao?”, thì trừ khi nó đúng là... một trái bắp.
Người gọi điện hỏi Tân giao công việc cho ai? Khi nghe trả lời rằng anh đã giao cho lính mới xử lý. Đầu dây bên kia tỏ vẻ hài lòng. Anh cười một mình.
******
Trong khi chờ trục vớt chiếc xe, Hoa Tuyết ghi chép về đồ dùng và giấy tờ cá nhân của người đàn ông. Toàn loại cao cấp đắt tiền. Cái bóp, sợi dây nịt da cá sấu - loại da mà dân VIP thích sử dụng vì đem lại may mắn. Bộ quần áo nhập khẩu. Đôi giày da đà điểu, loại đo ni đóng riêng vì có nhãn một thợ đóng giày nổi tiếng ở Sài Gòn... Chứng minh nhân dân mang tên Cao Dũng Tiến, nguyên quán Bạc Liêu. Số tiền trong bóp nhiều đến kinh ngạc, toàn ngoại tệ mệnh giá trao đổi cao. Ngày anh ta tự đâm xe xuống sông cũng là ngày sinh nhật tròn 32 tuổi.
Kỳ lạ là sau hàng tuần thông báo tin và ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, không có ai đến nhận là người thân của chàng đại gia. Liên lạc với đồng nghiệp ở Bạc Liêu thì trong tàng thư không có tên đó, số chứng minh đó. Kiểm tra kỹ thì chứng minh là thật, không có dấu vết làm giả. Không lẽ có kỹ thuật làm giả chứng minh giỏi như thế mà lọt khỏi tầm kiểm soát của ngành? Vô lý! Chỉ có một điều có lý là tất cả đều thật, chỉ có nhân thân là không thật. Vậy là anh ta có một thân phận khác.
Quay trở lại bệnh viện, cô lấy dấu tay đem về so với dấu tay trong chứng minh nhân dân, đúng như cô dự đoán, không trùng khớp. Đưa dấu tay vào máy quét nhận dạng trong tàng thư lưu, cô có một cái tên mới: Trần Phúc Ân - cái tên sao quen thế nhỉ?
Cô quên ngay và chỉ quan tâm đến nguyên quán Quảng Bình. Hoa Tuyết mỉm cười: “Vậy mới đúng chứ”. Khi lấy dấu tay, cô đã nhìn rất kỹ khuôn mặt của anh ta, đường nét khuôn mặt rất đặc trưng vùng miền. Dù trông anh ta khá đẹp trai, nhưng vẫn có cái gì đó khô khô, khắc khắc của con trai xứ gió Lào cát trắng miền Trung, không phải vẻ mặt cởi mở của con trai miền Nam.
Đang mỉm cười cô bỗng sững người khi nhớ cái tên này vì sao rất quen. Chẳng phải mấy tháng trước, cái tên này từng được báo chí đưa tin đã chết trong trại giam rồi sao? Anh ta chết vì cái bệnh, tuy là một trong tứ chứng nan y thời hiện đại, nhưng thường thì người bệnh đồng hành với căn bệnh cho tới vài chục năm, thậm chí tới già, chẳng mấy người chết sớm vì nó. Khi anh ta chết, vụ án của anh ta cũng bị đình chỉ. Trời! Tổ ong này không biết là tổ ong gì, nhưng chắc chắn không phải tổ ong mật rồi. Cô ngồi ở bàn làm việc, bắt đầu gõ bản báo cáo. Để bản báo cáo vào một bìa sơ mi, cô bước vào phòng đội trưởng, để trên bàn và ra về.
******
Hoa Tuyết lau dọn xong căn nhà nhỏ cũng mất hàng tiếng. Cô thay hoa trong chiếc bình đặt cạnh khung ảnh một cậu bé có nụ cười rất tươi. Khi cô cầm khung ảnh lên lau bụi, vẻ lạnh lùng, bình thản bay mất; khuôn mặt cô có một vẻ dịu dàng của yêu thương tự đáy lòng tràn ra. Cô nhìn thẳng vào khuôn mặt tươi cười đó, thì thầm:
- Đợi tôi nhé.
Tiếng chuông điện thoại đổ dồn. Hoa Tuyết vừa đưa điện thoại lên tai, chưa kịp "alô", đã nghe giọng đội trưởng lạnh nhạt:
- Em viết báo cáo kiểu gì? Liệt kê tài sản à?
- Dạ?
- Anh muốn một báo cáo chi tiết có đề xuất xử lý đặt lên bàn anh vào ngày mai.
- Dạ.
- Có câu hỏi nào không?
- Dạ không. Chào anh.
Tân tắt điện thoại. Anh ngồi phịch xuống ghế và bật cười. Thôi chết, anh yêu cô gái này mất rồi. Anh biết, không nên yêu phụ nữ thông minh, không còn gì bí ẩn trong mắt nàng, trần trụi với trắng-đen, cuộc đời sẽ mất thú vị. Thật ra bản báo cáo của Hoa Tuyết rất đầy đủ, nhưng quá ngắn gọn. Cô liên tục đặt dấu hỏi bên cạnh vấn đề; không bình luận, không đề xuất hướng xử lý, chỉ là những dấu chấm hỏi. Sự chặt chẽ đến mức có thể hiểu thiếu một dấu phẩy sẽ là thiếu. Thoạt đầu, anh sợ cô là người mới, có khuynh hướng sợ người khác không hiểu ý mình, thừa giấy vẽ voi. Bây giờ, anh lại muốn cô viết càng nhiều càng tốt, anh muốn đọc cô qua bản báo cáo của cô. Nhưng anh chợt hiểu, ngày mai, anh sẽ có một bản báo cáo khác dài hơn một tí, chẳng hạn cô sẽ thay cho cái kết lúc đầu: Đề nghị Ban chỉ huy cho hướng điều tra xử lý, thành câu: Tổng hợp những dấu hỏi trên, đề nghị Ban chỉ huy cho hướng điều tra xử lý. Thật là một cô gái khôn ngoan, biết tổ ong vò vẽ nên rất cẩn trọng, không muốn điều tra tiếp, chờ quyết định của cấp trên. Anh thở dài, giá cô đừng lấy dấu tay, coi như Cao Dũng Tiến vô thừa nhận bị tai nạn giao thông thì hay quá, có thể khép hồ sơ, chờ đến khi anh ta tỉnh lại sẽ tính tiếp. Anh ta có tỉnh lại hay không, bác sĩ còn không chắc, ngày tháng còn dài, rồi sẽ chìm vào quên lãng là chuyện có thể làm được.




...........

to be continued

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

ĐÔI BỜ

Em chờ đã bao năm rồi đó
Tình chở đi còn lại mấy bây giờ?
Con đò cũ đã dời bến đỗ
Một đôi bờ xa lạ, có buồn không?

VIẾT TIẾP

Bao nhiêu năm, cuộc hành trình
Một mình đi, một mình về, thế thôi
Bờ ao, ruộng mạ, chân quê
Cổng nhà hoa nắng, mừng ta trở về
Lá khô nâu, rụng đầy thềm

******

NHỚ NHÀ

Ta nhớ đường về hoa nắng bay
Đồng xanh như lụa, gió đong đầy
Hàng cau trước ngõ quây đặc trái
Ngọn trúc đào bên cửa nghiêng lay

Ta nhớ tiếng cười vui trong veo
Những buổi trưa ta ra sông chèo
Đàn chim bay liệng về xây tổ
Ta hồn nhiên xây những giấc mơ đời

Ta nhớ những ngày ta đi xa
Hàng cau hiu quạnh, dáng cha gầy
Thềm nhà lá rụng không ai quét
Những cọng cỏ gầy chen nhau xanh

Thương bóng quê nhà, thương bóng cha
Chiều nghiêng quá tím nỗi nhớ nhà
Ta ở quê người, quen xứ lạ
Vẫn không quen được nỗi nhớ nhà

******

QUÊ HƯƠNG TRONG TRÁI TIM TÔI

Quê hương trong bóng con đò
Trong câu hát bội, trong lời mẹ ru
Quê hương trong tiếng lá reo
Tiếng chuông chùa đổ, khói chiều miên man
Quê hương trong vắt ao làng
Vẽ đôi cò trắng về ngang liếc nhìn
Ta đi mấy núi, mấy non
Thấy con đò - nhớ, thấy sông xa - buồn
Tiếng đàn bầu nghe mà thương

KHÚC ĐỒNG DAO

Ta đi tìm lời đồng dao trong lời ru của mẹ
Lời võng trưa hè, lời tre kẽo kẹt
Chòm râu ông dài hơn tiên gấp bội
Miếng trầu bà nhai đỏ lời chú Cuội

Ta đi tìm lời đồng dao thời trẻ con rắc rối
Lũ yêu tinh núp ngoài đồng hội
Đêm đêm ta ghé mắt chờ
Chỉ nghe lũ đàn ễnh ương học nói

Ta đi tìm lời đồng dao thời tóc thề
Những cánh đồng hoang mơ mùa gặt hái
Những trái tim son, nụ cười vụng dại
Ngớ ngẩn yêu thương, ngớ ngẩn buồn

Ta đi tìm lời đồng dao thời tóc búi
Đâu còn trúc xinh cho xe ngựa rộn rịp sân đình
đâu còn tơ hồng cho người ngồi khâu bên cửa sổ
Những gã hát rong đã già hết hơi rồi

Lời đồng dao cứ nửa chừng là đứt
Dẫu chưa đến cổng nhà trời
Ta cứ hát khúc đồng dao cho ta nghe chơi

******

KHÔNG ĐỀ

Ừ thôi, gió thổi qua tôi
Vẫn đau giọt đắng thấm đầy môi xưa
Khi ta đi qua đời nhau
Đem bao nỗi nhớ, niềm đau chất đầy
Mới hay sao hôm - sao mai
Mãi là góc biển - chân trời đuổi nhau

Ừ thôi, dù lỡ chuyến đò
Cũng là đá cứng - chân mềm từng qua
Ta về xếp lá dựng nhà
Tình như suối chảy
Lòng như nước nguồn
Và quên

ĐÊM PHƯƠNG NAM

Đêm phương Nam nằm nghe câu vọng cổ
Xao xác tiếng bìm bịp kêu nước lớn cửa sông
Chạnh lòng tha nhân nỗi buồn thác đổ
Hương rượu đưa cay, nước mắt lại nhòa

Đêm phương Nam nằm ngắm sao trời
Niềm vui cô đơn nỗi buồn gấp bội
Dòng sông mênh mông thẳm sâu vời vợi
Trĩu lòng thương nhớ, thương nhớ ai?

Đêm phương Nam nghịch nước cửa sông
Những tinh điểm lập lòe trong nước mặn
Những vui buồn như ngàn sao dễ tắt
Khi ta thôi khuấy nước rong chơi

Đêm phương Nam ngồi giữa đất trời
Hương gió đưa quyện cùng hương cỏ
Ta một mình mơ làm ngọn gió
Chẳng biết bay đâu, nhưng cứ muốn bay

NGỌN ĐÈN YÊU THƯƠNG

Ngọn đèn đêm là em
Đứng suy tư ngoài phố
Tán xanh me là anh
Ngẩn ngơ từng lá nhỏ
Trời chiều trên đường đó
Gởi tặng em lá me
Đèn chưa đêm đã tỏ
Nhận lá me đậu mềm

******

Em yêu anh cây đời
Đứng nghiêng nghiêng bóng đổ
Tình anh ngàn lá nhỏ
Gởi thì thầm lá me

NGUYỆN CẦU

Con đường mòn nhỏ, dáng liêu xiêu
Là con khắc khoải, khóc đã nhiều
Hãy cứ tin yêu, đừng thất vọng
Và yêu người để được người yêu

KHÔNG ĐỀ III

Tôi đi giữa phố chiều
Người như mắc cửi
Bơ vơ như lạc lối
Chỉ muốn về nhà
Tôi về bến đò xưa
Chỉ vắng một người
Mà một trời hiu quạnh
Chỉ tôi với tôi
Tôi ngơ ngẩn dạo vườn
Cây xưa còn trái
Lá vẫn màu xanh
Dường như sông cạn
Tình quên không chờ
Chỉ có tôi
Như kẻ khờ
Không chịu quên!

Em đi về đâu

Em đi về đâu
Một dòng sông buồn
Chảy mãi không thôi
Em đi tìm đâu
Một thời trẻ dại
Mà màu mực tím
Tháng năm nhạt phai
Nắng tàn bên song
Đèn nhà ai thắp
Khung trời ước vọng
Tan trong hoàng hôn
Đời người giấc mộng
Quẩn quanh lụy phiền

ĐÊM NGHE SÓNG VỖ BỜ ĐÁ

Mênh mông biển rộng sóng dài
Trăng khuya hắt bóng trên bờ đá cao
Tầng trời lơ lửng ngàn sao
Sóng xô ghềnh
Sóng xô ghềnh
Đá cũng đau

DƯỚI CHÂN CỎ DẠI

(Ảnh: VN Thư quán)
Em ơi đường hoa hồng rất đẹp
Bàn chân mang giày sao biết gai đau
Sao biết cỏ mềm giập chết thế nào
Triệu triệu đóa hồng thắm đỏ biết bao
Em ơi những ngày mưa buồn đẹp lắm phải không?
Gió hắt hiu và mưa trên đầu phố
Em trong phòng điều hòa thống kê những con số
Và hoạch định tương lai
Bằng vũ điệu mưa buồn em đồng cảm qua khung cửa kính
Em ơi! Chưa qua cầu sao biết
Đoạn trường ra sao
Chết một nửa là thế nào
Chết cả ra sao
Con người sống mòn thành vô cảm
Ai chết mặc ai
Thế giới đầy người lại như thuở hồng hoang
Thú mẹ yêu con, khoanh vùng cát cứ
Dưới chân cỏ dại cố vươn mình
Và vô số những tinh linh thấp hơn ngọn cỏ
Không biết kêu than, vật vờ trôi dạt
không biết gọi tên cho đúng: Kiếp con gì?
Đôi khi ngớ ngẩn lại thích cười

Có đôi khi

Có đôi khi ta lạc mất ta
Nắm tay mình cũng nghe hờ hững
Quanh quẩn những nẻo đường quen mà vẫn lạ
Rồi năm tháng cũng phôi pha
Chẳng còn tôi giữa chợ đời
Đôi vai mỏi
Bạc màu mắt nâu
Bây giờ tôi sợ tìm tôi
Thì thôi trúc mỏng, nghiêng chiều gió lay

HƯƠNG KHÓI LÊN TRỜI

Đừng mong đã bảo đừng mong
Trái tim khắc khoải lại đau lòng
Đừng đưa đã bảo đường dài
Đưa làm chi mãi, sương dầm ướt vai
Thôi về đi, đừng tìm nhau
Dấu yêu cứ để ngàn phai bụi đường
Bao khói sương nhòa yêu thương

DẤU THỜI GIAN

Ta nhìn những ngón tay xưa
Một thời yêu dấu
Lướt trên phím đàn
Những ngón tay xưa
Như ta không còn thanh xuân nữa
Như ta không còn mơ mộng nữa
Mệt mỏi đời thường
Những ngón tay quen
Chỉ chơi những cung đàn tông thứ
Mới biết lòng mình
Đâu cần thu về mới heo may
Biết là có lúc chia tay
Biết là rượu uống dù say vẫn buồn
Cô đơn ta vắt cạn mình
Chén tình trơ đáy, có gì cho ai?
Một ngày rồi lại một ngày
Nhất nhật không tân, hựu nhật không tân!

LÀ TÔI LẶNG LẼ BÊN ĐỜI

(Ảnh: VN Thư quán)
Vẫn là tôi của hôm nào,
tóc mai sợi dài ngơ ngác
dưới trời sao vẫn thường ngồi hát
một mình
Vẫn là tôi của hôm nào,
ngớ ngẩn mãi không chịu khác
Con đường phía sau, lá dù xanh bằng nước mắt,
tôi vẫn ngoái nhìn, chỉ nhớ những ngày vui
Lá xanh vẫn đẹp
Cây đời vẫn sần lớp vỏ khô
Mong manh lòng người,
 đầy vơi,
 sáng tối
Có đôi khi buồn và mệt mỏi,
tôi muốn hất tung mọi thứ lên trời
Nhưng làm người đâu phải là con thú,
sống bản năng
Đâu phải trẻ con,
ngây thơ làm vô số tội
Tôi nhốt tôi trong triệu nỗi buồn câm lặng,
để làm người
Lặng lẽ yêu thương và mãi nở nụ cười
Và ngày tháng sẽ qua đi, qua đi

QUÊN

Giăng mắc một trời mưa mênh mông
Phố buồn ngập ướt mềm tận lòng
Dường như ta đã quên khép cửa
Để trái tim ngờ nghệch ướt như mưa!
Tôi dắt tôi đi đến cuối đường
Bao nhiêu phiền muộn chỉ là hư không
******
Ngõ nhà xanh liễu rủ
Hoa đỏ đến ngẩn ngơ
Ta vàng như lá cũ
Ngủ quên biết mấy mùa
Đi qua thời thương nhớ
Đi qua thời khát khao
******
Biển đời mênh mông quá
Ta lạc rồi mới hay
Những tiếng cười trong trẻo
Rơi rụng theo tháng ngày
******
Ta ngây ngô như cỏ
Xanh xanh trên đồng không
Đường chiều nghe gió lộng
Bình yên đến nao lòng
Mà lại buồn mênh mông!
******

NHỮNG CÂY CẦU LÊN SÂN KHẤU


Chán con đường muôn thuở ĐBP để về Gò Vấp, hai dì cháu cua đường tắt ngã kênh Nhiêu Lộc. Ngày ấy, đường bờ kênh còn đi hai chiều.
Chỉ một đoạn kênh chưa đầy ba cây số từ đường Trần Quang Diệu xuống đến Đặng Văn Ngữ  mà có năm cây cầu mới xây, không kể cây cầu sắt có sẵn. Những cây cầu sơn màu xanh-đỏ-tím-vàng sặc sỡ, như những ngôi nhà giàu nổi ở nông thôn, chói cả mắt. Bé rất thích, reo lên:
- Coi kìa, mấy cây cầu đẹp quá! Nhưng sao người ta xây nhiều cầu gần nhau quá vậy?
Tôi đùa đùa nói:
- Vì nó xếp hàng chờ lên sân khấu.
- Sao nó lên sân khấu được?
- Vì nó vẽ mặt xanh, mặt đỏ, màu mè như vậy, chẳng phải giống mấy đào - kép lên sân khấu đóng tuồng sao? Chỉ còn thiếu trống chiêng gõ nữa là đủ bộ.
Bé cười thích chí, nhưng có lẽ chưa thật sự hiểu tôi nói gì.
Ngày ấy, tôi thầm nghĩ: xây như thể có tiền không biết làm gì, vác đi xây một đống cầu để có chỗ mà hạch toán ngân sách. Đập vào mắt thiên hạ như thế mà không có cách để biến chuyện trái mắt thành chuyện đương nhiên thì chẳng phải là trò cười sao? Quả nhiên, không lâu sau đó, đường bờ kênh phân luồng một chiều. Các cây cầu cái quẹo qua, cái quẹo lại, chẳng ở không cái nào. Sướng quá còn gì, cứ vài trăm mét là có một cây cầu nối liền hai bờ kênh.
Những cây cầu đã lên sân khấu, thế là vãn tuồng.
Đây là mẩu chuyện mà từ đó, tôi nảy ra ý viết Flash. Có lẽ, Flash sẽ đồng hành cùng tôi cho đến khi nào tôi thôi không còn muốn viết lách nữa.

FLASH


Những ngày này, Sài Gòn sáng ra trời se se lạnh. Chợt nghĩ Hà Nội bây giờ hẳn là ai cũng khăn, áo, vớ ngắn, vớ dài, găng tay, mũ len…
Trên lề đường Lý Thái Tổ, khúc nhà nghỉ Chính phủ, cứ rải rác vài mét là có một gia đình lang thang nằm ngủ còng queo giữa trời. Từ một góc mền, ngọ nguậy ló ra một khuôn mặt trẻ thơ đen thui với mái tóc xoăn hoe hoe. Đôi mắt to có khoen và hàng mi cong của em bé người Campuchia có ánh nhìn cũng trong sạch như bầu trời buổi sớm mai này vậy.
Khuôn mặt sao quen vậy? À, là khuôn mặt của em bé, ngày nào cũng nằm ngửa bên cạnh cô chị gái bé bỏng (chỉ trạc 6 – 7 tuổi), xin ăn ở góc Ngô quyền – Ngô Gia Tự - Hồng Bàng.
Từ đàng xa, có mấy người mặc quần áo thể dục, tay cầm xích chó, một công đôi việc. Một con chó xù có màu lông trắng tinh và cái mặt rất hung dữ đang chạy a lại chỗ em bé đang nằm, hửi hửi. Và… nó giơ chân lên. Cái vòi rồng bay một ít lên tấm mền, bay một ít lên gần khuôn mặt em bé. Xong, nó còn khum đít xuống, kê sát vào tấm mền, toan làm nốt “nhiệm vụ” buổi sáng. Nhưng... có một chiếc giày từ xa bay vèo đến, trúng chân con chó. Ẳng! Cô chủ trẻ xinh đẹp thấy vậy, xót con chó và quay qua, toan nổi hung với chủ nhân chiếc giày. Tiếc rằng, chủ nhân chiếc giày cười tươi quá, tay thì xoa xít giữa trán và lông mày, như là chuyện nghịch ngợm vô tình. Hẳn là lúc cô dẫn con chó ra gốc cây đằng xa mà lòng còn đầy hơn bụng con chó.
Liếc nhìn lại em bé, vẫn ngờ nghệch nhìn vơ vẩn lên trời. Hơi nghiêng đầu nhìn em, đưa một ngón tay lên môi và hôn gió, bé đảo mắt và cười, chủ nhân chiếc giày lại tiếp tục cuộc chạy bộ buổi sáng.

forever in my heart


     * Trong một thế giới mà sự sống nối chặt với sự sống, mà những bông hoa nhận ra hết những bông hoa, mà những con thiên nga nhận ra hết những con thiên nga, thì chỉ có con người, tự tạo nên sự cô đơn của mình (Êxury Xanh Têx - Mặt đất và con người).
    * Năm tháng sẽ trôi qua, chiến tranh sẽ yên ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và sẽ còn lại không phôi pha, tấm lòng em nhẫn nại và chan chứa tình yêu thương (A.Tolxtoi - Con đường đau khổ).
* Học, học nữa, học mãi (VI.Lénin)
Hỏi: Đạo là gì?
      Đáp: Đạo là đường cho người ta đi.
      Hỏi: Đường đi đâu?
      Đáp: Người ta đi đâu thì ta đi đó.
      Hỏi: Đường ở đâu?
      Đáp: Ở đâu thấy có đường thì ta đi.
      Hỏi: Không có đường thì ta đi đâu?
      Đáp: Không có đường thì ta tự mở đường cho mình đi.
*  1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
     2. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
     3. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
     4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
     5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
     6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là lừa người, dối mình
     7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
     8. Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi vấp ngã
     9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
   10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe
   11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
   12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
       13. Khuyết điểm lớn nhất của đời người là kém hiểu biết (lời Phật)

for me


Từ dạo có internet, mình quả thật rất ít khi rờ đến cây đàn. Người ta đàn hay quá, nhạc nghe không hết, vớ vẩn ôm đàn mới ngốc. Tối qua, đem ra. Nhìn dòng chữ ngày xưa người ta tặng cho, tự nhiên lại mủi lòng.
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Đôi ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai đâu cứ ở trên đời (L'Adieu - Guillaume Apollinaire)
Bây giờ nhớ lại cái thời mình đấu tranh với mình để ra đi, quả thật vẫn còn thấy hãi. Tưởng mình tình cảm yếu đuối, ra là cũng có thể tự mình làm một cuộc trường chinh: Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Đi một lèo, hết cả chục năm, mới thấy mình thanh tĩnh.
Con người mình, bao năm nhìn lại, mới thấy thật ra là một người rỗng tuếch. Tưởng mình đọc nhiều sách thì thành học giả hay sao? Đọc nhiều, hiểu nhiều, không thực hành được, không chuyên cái gì, thật là phí bao năm đọc sách. Cứ tưởng tượng, một cái bồ, chứa toàn lúa thì gọi bồ lúa, chứa toàn bông thì gọi bồ bông, chứa lung tung xèng, gọi bồ gì?… chắc gọi là bồ thập cẩm. Đã là thập cẩm, tức chẳng là bồ gì cả.
Trong đời, ít nhất phải tự hướng cho mình chuyên một cái gì đó.
Bất cứ khi nào, khi bạn nhận ra mình thiếu cái gì, khi đó bạn mới bắt đầu, cũng không hề muộn. Không biết mình có gì, mình muốn gì… đó mới là hối tiếc muộn màng.

THIÊN THẦN


Hôm nay trên đường, vừa mệt vì thiếu ngủ, vừa bực vì kẹt xe. Số mình đen, đi đường nào cũng bị dựng hàng rào sửa chữa đường. Con đường còn có một phần tư. Người người chen chúc nhau, chờ qua cái cổ chai, vừa nóng, vừa bụi khói, vừa lơ mơ, đâm ra cứ mong có ai quẹt mình một cái để mình có cớ nổi khùng.
Khổ nỗi, rủi có ai quẹt một cái, theo thói quen, mình đã cười mất rồi. Người ta cũng nhe răng cười trừ, còn chỗ nào mà kiếm cớ, tự nhiên chỉ còn biết thở ra cho nó đỡ phê!
Buổi tối, về đến cửa, thấy em bé hàng xóm, chỉ cao quá đầu gối mình, đang lon ton đi với một bé lạ mặt, cao hơn nó cả cái đầu, gõ cửa khí thế nhà người ta. Biết rồi, nhưng vẫn hỏi:
- Con làm gì vậy?
- Con đưa bạn về!
- Con gõ làm gì?
- Con gọi cửa cho bạn.
Ôi trời! Thân chỉ một túm, đưa chị về mới ghê, còn gọi cửa giùm, nhiệt tình hết nói, có tương lai.
- Con ngoan quá, lại cô ôm một cái coi.
- Thôi nha, tạm biệt con!
Nhìn bé đưa một ngón tay lên môi hôn gió (hì, cái này là tôi dạy bé), ngón tay nhỏ xíu xinh xinh trên đôi môi đỏ như son, thật lòng, trông bé rất giống thiên thần.

CHUYỆN NHỎ


Trong bãi xe bệnh viện tư nhân, tôi dựng cái xe đạp chờ anh giữ xe buộc thẻ cho hết người này, đến người khác, mãi vẫn chưa buộc thẻ cho tôi. Tôi nhắc:
- Anh ơi! Cho em một cái thẻ.
- Ở đây hết chỗ rồi, chị đem xe qua bưu điện kế bên gởi giùm đi.
Trong khi nói, anh ta lại tiếp tục buộc thẻ cho những chiếc honda đến sau. Phải như chục năm trước, hẳn là tôi đã nổi sùng, trợn mắt, nói văng vít cái gì đó, đại loại như các câu hỏi: vì sao, tại sao... Bây giờ, tôi chỉ cười tươi rói, nói như đùa:
- Hihi, anh cứ cho em một cái thẻ gởi xe, còn để nó ở đâu thì cứ tùy ý. Hì, em đi khám bệnh, đâu có vô bưu điện mà lon ton qua đó, hehehe, please!
Chả hiểu cái nào công dụng. Tôi có cái thẻ xe, anh giữ xe chịu nhe răng cười.
Trong khi chờ các kết quả từ bệnh viện, tôi lại bình thản lấy sổ ra làm việc riêng, thế giới xung quanh tôi lại phẳng như mọi khi. Ai muốn hỏi gì, nói gì, khều vai, tôi lại ngẩng lên, ngoảnh qua và cười:
- Dạ?...
Có lẽ, dạo sau này, tôi đọc các loại sách nghiên cứu về các tôn giáo quá nhiều, đâm ra cũng lười nói, lười suy nghĩ, chỉ muốn mọi việc đơn giản như nó vốn đơn giản. Hai hòn đá va vào nhau, không mẻ chút, không vỡ nát thì cũng văng vít làm đau ai đó. Hòn đá văng vào bị bông, chẳng đau ai, chẳng sứt mẻ, nhẹ nhàng rớt xuống, rồi thôi.

for me


Trời mưa tầm tã không ngủ được, tôi bò dậy ra mở cửa sổ, vừa lên mạng nghe nhạc, vừa nghe mưa. Mai phải dậy sớm để lên, giờ lại thao thức, ngớ ngẩn. Trong đầu cứ nghĩ mãi về câu chuyện đang thành hình và cái tựa đã đặt sẵn: Quay đầu thấy biển mênh mông. Ừ! Quay đầu không thấy bờ, chỉ thấy biển, mênh mông, mênh mông.
Không biết tại sao, sáu chữ của title truyện ngắn chưa thanh hình hoàn chỉnh này cứ làm tôi buồn quá! Có rất nhiều thứ trong đời, ta không thể làm lại. Cuối cùng hiểu ra, quay đầu không còn bờ nữa, cũng không có cánh buồm nào làm điểm nhấn giữa biển và bờ, muốn trong sạch thì có biển đó, để chìm mất vào hư không.
Đây là truyện ngắn định sẽ dành tặng làm quà sinh nhật, chẳng biết có hoàn thành kịp hay không. Phong thái cổ trang thì tôi chưa viết bao giờ. Nhưng vì cảm giác mắc nợ không trả được, tôi buộc lòng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Cố lên tôi ơi!
Con người tôi quá cứng nhắc, không thích nợ ai, cũng không chịu nhận cái gì của bất cứ ai. Có người đã nhiều lần trách tôi vô tình, vô cảm, vô tâm, vô... đủ thứ, buồn đó, nhưng không thể trách vì người ta nói đều đúng. Tôi làm, chưa hẳn là có. Tôi không làm, chưa hẳn là không.
Thế gian này, ngoại trừ số ít người thân và số hiếm hoi người lạ, chỉ có trẻ con là có thể nắm được trái tim tôi chân thành nhất. Cái tôi cần ở trẻ con là đôi mắt đen trắng phân minh, nụ cười ngộ nghĩnh, cách nghĩ cũng ngộ nghĩnh nốt và trò chơi của bé thì ngớ ngẩn như là đi chọc thằn lằn, đi kiếm dế, gián... Cuộc đời có trẻ thơ thật là đơn giản, dễ vui cười biết bao.

for me


Mỗi ngày, khi nhìn vào gương, tôi đều tự nhủ: Xem nào, bạn có nụ cười rất tươi, cớ gì bạn cứ giấu nó đi? Cớ gì bạn để cho nỗi buồn, sự đau đớn, thất vọng… làm tắt mất nụ cười của bạn. Thử nhìn mà xem, sự xấu xí đang ngự trên mặt bạn, bạn có thích vẻ mặt trông ngớ ngẩn, đần độn, chán chường đó của mình không?
Tất nhiên là tôi không thể thích vẻ mặt đó, nhất là nó lại ở trên mặt mình. Và ngày mỗi ngày, tôi đều tự tìm cho mình ít nhất là một niềm vui để có thể cười. Dễ tìm nhất chính là tán dóc với những em bé. Sự trong sạch trong những đôi mắt nhỏ đầy ngây thơ, hồn nhiên, luôn làm tôi cười thành tiếng. Con người tôi, đáng chán ở chỗ trong vô thức thường chỉ cười nửa miệng. Cái kiểu cười dễ mất lòng bất cứ ai đối diện. Và mất lòng với chính tôi khi chợt nhìn thấy nụ cười mình trong gương.
Ngày tháng đã qua rất nhiều năm phía sau tôi. Dường như tôi cũng không còn nhiều thời gian ở phía trước. Thanh bình, tĩnh lặng là tất cả những gì tôi cần cho hôm nay và cho ngày mai. Bởi vì tôi đã nhận ra từ khá lâu chân của mấy chữ: phù hoaphù phiếm. Ta chẳng mang theo được gì khi ta đi. Vậy thì còn bao nhiêu yêu thương, tốt đẹp… mang ra xài hết, giữ làm gì.

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

ĐẤT LẠ

(Ảnh: internet)

Người ta bảo: Trái đất tròn. Thật sự trái đất hình cầu.
Mặt trời tròn, nhưng vì nó chói quá, mấy ai nhìn thẳng vào nó để có thể nhận ra hình dạng đích thực của nó.
Mặt trăng tròn, dịu dàng treo sáng cao cao, nhưng luôn luôn thay đổi, khi tròn, khi khuyết.
Chân ta chạm đất, nhưng chẳng bao giờ đo và hiểu hết bí mật của đất.
Ánh sáng mặt trời chan hòa ngày, ta chỉ nhìn thấy ánh sáng.
Ta nhìn trăng soi mờ ảo thế gian, mới nghĩ ra rằng: Ta tưởng thấy trăng, thật ra cũng như khi ta chạm đất, thấy ngày... chỉ là một cảm giác mà thôi.
Ta chạm người, không phải là rất thật sao, nhưng ta không thể hiểu rõ, trái tim người có thật thế không. Ta chỉ có thể nhìn vào ta. Khi ta đem vui vẻ cho người, chính là ta gieo cho mình sự vui vẻ. Vì vậy, ta cũng không mong chờ người đáp lại. Ta không phải người gieo trồng và mong mùa gặt hái.
******
Thảo Hương xuống bến xe Bảo Lộc. Trời nắng như thiêu. Anh rể bảo cứ đến nơi sẽ thấy anh chờ sẵn đón cô, vậy mà chẳng thấy bóng dáng đâu.
Ngơ ngác trên đất lạ, cô thở dài, đi vào một quán nước, gọi một ly đá chanh. Đang ngồi ngơ ngẩn, cô giật mình khi có tiếng đàn ông vang lên bên cạnh:
- Thảo Hương? Em chờ anh Chí phải không? Anh tên Long, tài xế xe tải.
Giọng con trai Bắc, lên bổng, xuống trầm êm tai quá chừng. Cô quay sang. Anh chàng trông đẹp trai quá! Ở cái xứ rừng rú miền Đông mà trắng trẻo, thư sinh thế này thì có chết người không chứ! Cô không trả lời câu hỏi của anh mà lại nói ý nghĩ thành tiếng. Ôi trời! Thảo Hương ngượng nghịu cười khì.
Anh đến cạnh chiếc xe tải phủ đầy bụi đỏ, mở ca bin nhảy lên. Cô vòng qua bên kia và leo lên ngồi cạnh anh. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh, ào ào lướt qua những cánh đồng trà thâm thấp, trải dài đến tận chân trời. Bụi đỏ bốc lên mờ mịt phía sau xe.
Xe bắt đầu lên dốc, xuống đèo liên tục. Hai bên đường, những dải thông xanh ngắt, chỗ đậm, chỗ nhạt. Càng đi xa, càng có vẻ như họ chui sâu vào giữa rừng. Không một mái nhà, chỉ có con đường độc đạo như một vệt chỉ đỏ ngoằn ngoèo trước mặt.
Mệt mỏi sau chặng đường dài từ Sài Gòn lên đây, cô thiu thiu dần rồi ngả đầu lên giỏ xách ngủ gật. Chiếc xe đứng lại làm cô thức giấc.
Trước mắt cô, một dãy nhà sàn bằng gỗ thông nằm trên ngọn đồi thấp. Thảo Hiền - chị cô, đang đứng trước cầu thang cười rạng rỡ. Bây giờ mới thấy mặt, còn hớn hở thế, có biết người ta xứ lạ quê người, lang thang ngoài bến xe không? Dường như hiểu em không ai bằng chị. Một tay chị vò tóc cô, một tay nắm cô kéo theo mình, miệng thì ríu rít:
- Trời ơi, tội chưa! Đứa em xinh xắn của tôi bị tàn phá thế này ư?
Cô hết giận ngay và chui vào nhà tắm.
Chị bắt ghế ngồi bên ngoài, hỏi vọng vào đủ thứ chuyện.
Mãi đến tối, anh rể mới về. Vừa nhìn thấy cô, anh đã oang oang:
- Lên rồi hả nhóc? Xin lỗi em, hôm nay anh bận việc đột xuất. Em có phải chờ lâu không?
Chẳng đợi cô trả lời, anh đã quay sang chị, nháy mắt. Mặt chị tươi như hoa từ lúc có anh về. Thế là hai người bận quan tâm nhau, quên mất cô ngay. Thôi thì biết điều một chút đi, cô tự nhủ, nhưng người cứ run lập cập vì vừa lạnh, vừa đói!
Trời cao nguyên thật lạ. Mới lúc chiều, khi cô vào đây, nắng và nóng gớm. Thế mà trời chưa kịp tối đã bắt đầu lạnh. Sương mù lan ra khắp nơi rất nhanh. Tốc độ dầy của sương, hiệu ứng với cường độ lạnh của không khí.
Thảo Hương vừa kéo cái phẹc áo gió lên che kín cổ, vừa nghe răng mình gõ vào nhau. Thảo Hiền trông em gái và cười phì phì. Mặt chị hồng như hoa đào và vẫn khoác hờ chiếc áo bông chứ không kín cổng cao tường như cô.
Đêm ấy, anh chị cô có nhiều bạn đến chơi. Họ là công nhân, tài xế của lâm trường và nhân viên trạm thủy điện nơi anh rể cô làm việc. Ai cũng tỏ ra rất nhiệt tình, vui vẻ.
Các anh cười cười, nơi này, mười phần thì có 9,999 là đàn ông. Có một người khách đã mừng, lại là một cô gái đẹp, càng quý như vàng. Cô nghe mà mặt mũi cứ nóng bừng như sốt vì ngượng ngùng. Nhưng, ai cũng có vẻ rất thân tình, không đãi bôi chút nào nên cô thỉnh thoảng nghiêng mặt đi, cười một mình. Chị cô ngồi cạnh cứ cười cười một cách mờ ám! Mệt, không thèm hiểu là xong.
Mọi người kể cho cô nghe về dân tộc Mạ, sống ở những bản làng quanh đây. Hồi các anh mới vào đây mở lâm trường, các cô gái người Mạ thường không mặc áo, chỉ quấn ngang người chiếc xà-rông, khiến nhiều chàng người Kinh suýt nữa rớt mất mắt.
Người Mạ là tộc người vẫn còn theo chế độ mẫu hệ và nổi tiếng về chuyện bỏ bùa, làm phép. Nghe nói, có một đoàn sinh viên khoa Văn của đại học Đà Lạt vào đây khảo sát điền dã. Một chàng trai người Mạ mê cô sinh viên đẹp nhất trong đoàn, đã bỏ bùa yêu cô xuống suối. Cô sinh viên sau khi tốt nghiệp đã quay lại bản sống cùng chàng trai người Mạ, mặc cho cha mẹ năm lần bảy lượt năn nỉ cô trở về nhà.
Rằng bây giờ, ngoài ngã tư chợ Bảo Lộc, dưới gốc một cây thông già, luôn có một người đàn ông suốt ngày câm lặng, tay ôm một khúc cây trong tư thế bồng súng đứng gác. Đó là vì anh ta đã dụ dỗ và sau đó ruồng ry một thiếu nữ Mạ và bị bùa phát. Sự thật nhất để chứng minh là chuyện của anh kỹ sư tên Quang, trẻ tuổi, đẹp trai, học thức, đã bị bùa mê mà lấy một cô gái người Mạ làm vợ, hiện đang sống ở bản làng rất gần đây, chỉ đi qua ba cái dốc núi là tới.
Nghe cô nói sẽ vào thăm bản, các anh dặn dò: Vào đó, đừng ăn uống gì, coi chừng bị bỏ bùa, không về được.
Thảo Hương cười khì khì, tự nhủ: Dị đoan hết sức nói.
Buổi sáng, cô háo hức dậy sớm, mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Một bóng đàn ông cao cao với chiếc áo bađờsuy dài bay lất phất sau lưng, hiện ra trong làn sương mờ trên triền dốc xa xa, thật ấn tượng và đẹp mắt như ảo ảnh. Hình như trái tim cô bị lôi tuột vào một cái lồng chứa đầy những chất romantic. Cô ngớ ngẩn nhìn như dán chặt, cho đến khi người đó đến gần. Thì ra là anh Long. Cuộc đời đâu có lãng mạn thế, đồ ngốc! Cô tự thức tỉnh mình.
Cô lấy áo khoác, mấy gói kẹo bánh, vớ cái máy ảnh, theo cửa sau, chạy xuống đồi. Qua ba cái dốc, mồ hôi của cô đã tuôn như suối. Cái áo khoác và cái máy ảnh trở nên nặng trĩu. Cô tự cười: leo núi có cao gì cho cam mà thở ồ ồ thế này? Phế thải hết chỗ nói!
Cô nhìn ra xung quanh. Một chú bé người dân tộc đang vắt vẻo trên nhánh cây thấp gần đó. Một ngón tay chú đút vào miệng, một tay chú vịn vào cành. Trông chú xinh quá với đôi mắt to, đen như than, đầy vẻ tò mò đang nhìn thẳng vào cô.
- Xin chào! Sắp tới bản chưa bé?
Thảo Hương hỏi lớn. Chú bé không trả lời, hơi ngoảnh đầu đi, nhưng vẫn hé một góc mắt nhìn lại cô.
- Bé tên gì? – cô vừa nói, vừa tiến lại gần.
Nó nhảy ngay xuống đất, co giò chạy rất nhanh. Vừa chạy, nó thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại. Hay là nó muốn mình theo nó?
Trời đã bắt đầu nắng to, cô lấy cái áo khoác buộc lên đầu che nắng. Chú bé trông thấy liền nhe hàm răng trắng bóc ra cười.
Trong suy nghĩ của cô, bản làng chắc là thô sơ với nhà lá, vách cây lởm chởm… trước mắt cô, không phải vậy. Cũng là những ngôi nhà sàn và đẹp mắt không khác những dãy nhà chị Thảo Hiền đang ở. Quanh nhà, những cọc tiêu ngay hàng thẳng lối, xanh mướt.
Có nhiều người dân bản ngồi ở bậc cửa hoặc dưới giàn tiêu. Một ông già đang ngồi rút vai, hút một điếu thuốc quấn theo kiểu loa kèn, thở ra những vòng tròn khói. Đứa nhóc ngồi trong lòng ông chỉ khoảng sáu - bảy tuổi, vươn tay rút điếu thuốc trên miệng ông, đưa lên miệng và rít một hơi dài. Chà! Sành điệu quá! Thảo Hương sửng sốt trước cảnh đó, đưa máy ảnh chụp lách tách xong, tiếp tục bước theo chân chú bé.
Chú bé chạy tọt vào ngôi nhà đang vang vang khá lớn tiếng hát ngọt ngào của nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền. Cô vào theo. Trong nhà hơi tối. Trên cái bàn làm bằng một gốc gỗ có đường kính cả mét, cái radio đang mở. Ở góc nhà, một bà già đang ngồi tựa lưng vào cột nhìn vào ngọn lửa trong bếp. Phía trên đầu bà, treo mấy bó trái bắp khô rất to. Bà già nhìn vào cô cười. Lúc này, cô mới nhìn kỹ. Thì ra bà không già như cô tưởng, chỉ vào khoảng giữa 40 – 50 tuổi.
Thảo Hương chào bà, nhưng bà làm thinh như không nghe thấy.
Chú bé nấp sau lưng bà, lấp ló cái đầu nhỏ xinh xinh. Ánh lửa ấm, mùi lửa nồng, chẳng ai nói tiếng nào, nhưng không khí vẫn thân thiện, ấm áp. Thảo Hương ngồi xuống chiếc ghế làm bằng gốc cây, đưa mắt quan sát căn nhà. Mọi vật dụng đều thủ công, thô ráp, nhưng rất ấn tượng. Phía sau vách chỗ bà ngồi, treo đầy những trái bầu to, đen bóng. Cô tò mò lại gần, nhấc một cái. Trái bầu nặng trĩu, toàn nước.
Chú bé lẽo đẽo theo chân cô. Cô ngừng lại, ngoái đầu nhìn, nó lập tức lon ton nép vào đâu đó. Chụp xong hàng loạt ảnh, cô để lại một gói kẹo, lại chào bà, rồi ra cửa. Bụng cô nghĩ, chắc bà cũng không hiểu cô nói gì, cũng như cô cũng sẽ chẳng hiểu bà nói gì.
Xuống hết chân thang, cô mới nhớ mình chưa tạm biệt chú bé. Cô ngó lên khuôn cửa. Chú bé đang đứng giữa cửa nhìn vào cô. Thấy cô nhìn, bé không kịp núp vào đâu, thế là nó nhắm tịt mắt lại. Bộ tưởng không nhìn thấy cô thì cô cũng không nhìn thấy bé chắc? Đứng một đống giữa cửa thế kia mà! Thảo Hương phì cười. Chú bé nghe thấy liền hé mắt ra, rồi hoảng hốt đưa luôn cả hai bàn tay lên bịt chặt ngang mắt. Cô hắng giọng:
- Đi nha. Tạm biệt.
Chú bé đột nhiên bỏ tay ra, nhìn cô cười toe thật dễ thương. Bỗng nó chạy nhanh xuống thang với những bước chân chực chờ lộn sấp như làm xiếc, làm trái tim cô hồi hộp muốn rớt ra ngoài vì sợ nó té.
Trước mặt cô là một cô gái gầy gầy, khoảng chừng hơn hai mươi tuổi, mặc cái xà-rông dài màu sặc sỡ và cái áo thun màu cam ngắn tay. Thật là một cô gái xinh đẹp với đôi mắt to và hàng mi dầy như cái rèm mơ màng. Đôi môi đỏ tươi hơi dầy của cô đang vừa cười, vừa nói líu lo bằng một thứ tiếng Thảo Hương không hiểu, có nhiều âm tắc, giọng mũi họng với chú bé vừa nhảy tọt vào nằm trong vòng tay cô. Cô gái cười hỏi:
- Mày kiếm tao à?
Thảo Hương hơi giật mình vì cách dùng đại từ nhân xưng một cách sỗ sàng với người lần đầu tiên gặp mặt của cô gái.
- Hay là mày kiếm chồng tao?
Thảo Hương mỉm cười:
- Không đâu, tao vào bản cho biết thôi. Tao ở Sài Gòn lên thăm chị gái. Vợ của anh Chí.
Dùng đại từ xưng hô như cô, Thảo Hương thấy thú vị và vui vui như trở lại cái thời lon ton như chú bé kia. Đã lâu lắm rồi, cô không gọi mày, xưng tao với ai.
Cô gái nói một cách nhiệt tình:
- Thế a, tao biết chị mày mà. Đẹp lắm, đẹp lắm! Vợ chồng chị mày rất tốt. Mày muốn xem cái gì, tao dẫn mày đi nhé? Mày có muốn vào rừng hái phong lan không? Tao nghe nói người Kinh ai cũng thích lan rừng .
Thảo Hương mừng rỡ:
- Tao thích lan lắm. Cha tao dặn nhớ mang lan rừng về. Mình đi ngay nha?
Chú bé thấy họ bỏ đi thì khóc òa lên. Cô gái liền ôm chú thủ thỉ một tràng. Thế là chú bé cười toe, vừa chạy lên thang, vừa hát một giai điệu rất lạ tai.
Họ đi qua những ngọn đồi mọc đầy những bụi cây thâm thấp, mà cô gái gọi là cây sim. Chẳng hiểu nó có phải là những cây sim trong lời hát phổ từ thơ Hữu Loan:… những đồi hoa sim, những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt… không nhỉ?
Cô gái bước thoăn thoắt với đôi chân trần.
Chưa từng đi bộ nhiều, bỗng chốc hôm nay liên tục cuốc bộ, đôi chân của Thảo Hương muốn biểu tình đình công. Những bắp cơ như muốn cứng lại. Mỗi cái nhấc chân, cô tưởng như sắp bị chuột rút. Cô vừa đi, vừa rên. Cô gái dừng lại, hỏi vẻ lo lắng:
- Mày làm sao vậy?
Thảo Hương cười nhăn nhúm:
- Tao nhức chân quá!
Khi biết cô chỉ bị nhức vì đi nhiều, cô gái cười, hái vài lá cây, vò giập, rồi bảo cô kéo ống quần lên. Cô vừa xát, vừa xoa. Chân Thảo Hương vừa mát, vừa dễ chịu. Lát sau, cô gái phủi hết những xác lá trên chân cô. Chẳng hiểu nó là lá gì mà công hiệu ghê gớm. Thảo Hương thử đứng dậy, rồi thoải mái bước nhanh theo cô gái.
Cô gái cứ đi, đi mãi. Rừng ngày càng dầy và khó đi. Trên đầu, cây cao và rậm. Phía dưới, xác lá, đôi chỗ ướt sình, những cành mục vướng chân và cành thấp thì quẹt rát cả da.
Thảo Hương bắt đầu nghe đói bụng. Sáng nay, cô đã ăn uống gì đâu, lại còn vận động như tàu cao tốc nữa. Cô nhìn đồng hồ: gần 10 giờ. Thấy cô cứ tụt dần ở phía sau, cô gái hỏi:
- Mày lại đau ở đâu à? – giọng cô đầy vẻ quan tâm. Thảo Hương lắc đầu. Chẳng lẽ thú nhận là cô đói bụng? Thật là ngớ ngẩn! Làm gì cũng hứng bất tử, không có kế hoạch để chuẩn bị, rồi gây phiền cho người khác. Nhưng cái bụng của cô thật thà quá, nó cứ sôi rột rột vì trống rỗng. Má Thảo Hương nóng phừng phừng theo nhịp độ tiếng sôi réo của cái bụng phản phúc. Cô gái mỉm cười:
- Tao đi rừng, thường hái trái dại ăn. Mày ăn thử nhé – giọng cô êm ái như dỗ dành làm Thảo Hương xấu hổ quá:
- Không sao, mình đã tới nơi chưa?
Cô gái ngẩng đầu. Thảo Hương nhìn theo và thấy mấy tán cây lớn có nhiều dây leo quấn chằng chịt lên tận ngọn. Từ chảng ba đầy rêu trên cao, cô nhìn thấy mấy nhánh lan có vài cái nụ. Cây như thế làm sao mà leo?
Cô gái leo thật. Nhìn cô, Thảo Hương những muốn bảo cô thôi cho rồi. Thảo Hương không dám lên tiếng, vì sợ cô gái phật lòng. Để rồi, cô cứ thấp thỏm mãi cho đến lúc cô gái ném những nhánh lan xuống cỏ và leo trở xuống.
Bận về, cô dẫn Thảo Hương theo đường khác. Đường này về chỗ chị Thảo Hiền trước.
Đến lúc đó, Thảo Hương mới biết cô gái ấy tên là K' thị Rua, vợ anh Quang trong câu chuyện tối qua. Cô là con gái trưởng làng, là người luồn rừng giỏi nhất, cô gái xinh đẹp nhất bản…
Nghe chị Thảo Hiền nói mà Thảo Hương cứ như từ cung trăng rớt xuống. Ôi trời! Bùa ngải! Câu chuyện của các anh dặm bao nhiêu mắm muối? Hay là "mặn chát" cả chuyện?
Chị Thảo Hiền mời Rua vào ăn cơm cùng, nhưng cô từ chối và đem khoe chị những nhánh lan cô vừa hái.
Rua về rồi, chị đem cất những nhánh lan. Chị bảo chờ anh rể về, anh sẽ cưa cây tạo dáng và tháp lan vào. Khi Thảo Hương đi, lan cũng vừa mọc rễ, ôm gốc, có thể mang xa được.
Đợi Thảo Hương ăn cơm xong, Thảo Hiền mắng cho một trận vì cái tội vào rừng. Tuy là đi với cô gái luồn rừng giỏi nhất, nhưng rủi xảy ra chuyện gì thì ai có thể chịu trách nhiệm? Rừng thiêng, nước độc, lại còn rắn rít, muỗi mòng… Chị la xong, lại ôm lấy cô mà chảy nước mắt. Trời ơi! Người gì mà vừa đánh, vừa xoa, khiến mình chưa kịp nổi sùng, đã phải cùng cực ăn năn rồi, có chán đời hay không kia chứ!
Hôm sau, Thảo Hương lại vào bản. Cô đem tặng Rua ít quà Sài Gòn. Cô gặp Quang đang ở nhà. Anh đang đánh bóng một cái độc bình rất lạ, bằng loại gỗ đen, cao hơn đầu anh. Trông anh nhỏ người, chỉ được mỗi cái cười tươi. Chú bé quanh quẩn bên cạnh cha, thấy cô, chú núp vào sau cái độc bình, ló nửa mặt và nhe hàm răng trắng bóc ra cười. Thì ra, chú bé có nụ cười giống cha. Chỉ một ngày sống cùng những con người nhiệt tình và chân thành đó, đủ để cô mãi mãi yêu quý họ.
Trời chiều lạnh thật. Hai người và chú bé đưa cô về. Nhìn theo những bước chân ngắn vội vội của bé đang chạy nhảy phía trước, cô cảm giác như cuộc đời cũng rộn ràng và nhiệt tình như những bước chân trẻ con đó.
Về đến nhà, chị trách cô cứ đi suốt, bỏ chị một mình. Lạ thật! Trước giờ không có cô, chị ở mấy mình? Nghĩ là vậy, ai dám nói thành lời! Thảo Hương chỉ biết cười hì hì.
Anh chị đưa cô ra chợ Bảo Lộc. Tới ngã tư, cô nhìn quanh tìm người đàn ông mà các anh đã nói. Đúng là có ông ta thật. Bên cạnh ông ta có một bé gái. Nó mặc bộ đồ lửng có những cái hoa hướng dương rất to. Anh Chí thở dài:
- Người này trước đây rất đào hoa. Không biết bao nhiêu cô gái khổ vì anh ta. Bỗng dưng mà thành ra thế này. Chỉ tội cho vợ con.
- Có thật là ổng bị bỏ bùa không anh? - Thảo Hương thấp giọng thì thầm. Anh cười:
- Thì như em thấy vợ chồng anh Quang, muốn tin thì có, không muốn tin thì không.
Hừ! Trả lời thế thì có gì để nói. Thảo Hiền đi bên cạnh cứ cười tủm tỉm. Dạo này sao chị dịu dàng, đằm thắm thế!
Đến xứ cà phê thì phải thử cà phê. Họ vào cái quán cà phê ngay ngã tư. Khổ nỗi, lần đầu tiên Thảo Hương mới uống cà phê. Thứ cà phê sệt sệt, đổ ngập đường vẫn cứ đắng nghét ấy, làm cô đau quặn bụng, mặt mày xanh lét. Tội cho anh chị cô, cứ cuống quýt cả lên. Họ đưa cô vào phòng y tế của nhà khách Chính phủ ở gần đó. Cô bác sĩ có nước da trắng và đôi má rất hồng, nghe nghe, hỏi hỏi vài câu rồi cười:
- Chỉ vì không quen uống cà phê thôi, không sao đâu.
Cô đưa cho vài viên thuốc. Anh Chí cười to:
- Thật là… lần đầu tiên tôi nghe có người bị đau bụng chỉ vì uống cà phê, hahaha!
Anh nhìn Thảo Hương đang ngồi dựa lưng vào lòng vợ, thấy mặt cô bé xanh đến tội, khiến anh thương quá, thò tay xoa bù xù tóc cô.
Thảo Hiền thì vuốt cho tóc em gái mượt trở lại. Tự nhiên, Thảo Hương mủi lòng muốn khóc. Cô cảm nhận rất rõ tình thương của anh chị dành cho mình.
Thảo Hương phải nằm dài mất mấy ngày. Anh Chí cười hì hì bảo rằng: Có lẽ cô không quen với khí hậu và nước nôi nơi đất lạ nên bị lạ nước?!
Hôm Thảo Hương đã khỏe, chị Thảo Hiền bảo:
- Anh Chí nói em có muốn đi thăm rừng, anh sẽ cử anh Long đi với em.
- Vậy còn gì bằng.
Thảo Hương quay mặt, giấu vẻ tươi cười. Cô nghĩ đến chàng trai có đôi mắt đen thật to, cái mũi cao thanh tú và làn da trắng mịn màng, ẩn hiện vệt râu xanh bó quanh cằm. Trái tim mơ mộng của cô đã muốn hát lên rồi. Nhất là lúc anh ngồi ôm cây guitar, rải ngón tay và hát nhạc Trịnh: Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi. Tình yêu mật đắng, mật đắng cho đời. Tình yêu như biển, biển rộng hai vai, biển rộng hai vai. Tình yêu như biển, biển hẹp tay người, biển hẹp tay người, lạc lối… Xem ra, cô đang lạc lối thật, chẳng chút nhớ nhà!
Thảo Hương ngồi trên cabin, theo Long vào rừng chở gỗ ra lâm trường. Mỗi lần xe chạy ngang bản, những đứa nhóc lại ùa ra. Hàng chục đứa đứng giang tay cản đường để xe ngừng lại. Nhanh như sóc, bọn nhóc leo lên bám vắt vẻo trên cửa xe, rồi ra hiệu cho xe chạy, y như những lơ xe thứ thiệt. Mặt đứa nào cũng hớn hở. Khi xe đi một quãng khá xa, chúng lại ra hiệu cho xe ngừng lại và nhảy xuống, chạy trở về.
Thảo Hương nhăn mặt. Cô nhiều lần thử gỡ tay bọn nhóc, nhưng mấy ngón tay bé xinh cứ như bị bắt vít, dính chặt, không gỡ ra được. Cô bảo bọn nhóc:
- Leo vậy, nguy hiểm lắm! Nhỡ mà sút tay té xuống, xe tải to như thế, cán một cái là dẹp lép như cái lá luôn, có sợ không?
Bọn nhóc nhe răng cười rất hồn nhiên. Có lẽ bọn nhóc không hiểu lời cô nói, vì chúng vẫn chặn xe, nhảy lên đeo bám như cũ. Long cười bảo cô quá lo xa:
- Em đừng lo, anh luôn xem kỹ chúng xuống hết rồi mới cho xe chạy, không xảy ra chuyện gì đâu.
Giọng anh ngọt ngào. Nụ cười anh làm cô không thể suy nghĩ cái gì khác. Cảm giác yêu và được yêu thật là kỳ diệu. Cô không còn thấy rừng cô quạnh, không còn thấy bản làng xa lạ, tất cả đều thân thiết như cô đang ở nhà mình. Điều cô mong chờ nhất là mỗi sáng thức dậy, trông thấy anh trong chiếc bađờsuy dài bay lất phất, đi lên triền dốc, gọi cô xuống đi cùng anh.
Trưa hôm đó, khi xe chạy ngang bản, bọn nhóc như thường lệ lại chặn xe leo lên. Lúc ngừng xe cho bọn nhóc nhảy xuống, Long theo thói quen, chỉ cần nhìn thấy một đứa nhóc huơ tay ra hiệu cho xe chạy là dấn ga. Nhưng lần này, bọn trẻ đồng loạt huơ tay kêu gào, vẻ rất hoảng loạn.
Long chạy tới một đoạn mới ngừng lại, nhảy ra khỏi xe. Thảo Hương nhảy xuống theo.
Họ nhìn theo những ngón tay của bọn nhóc. Một đứa bé đã bị bánh xe cán xéo lên người. Trên cái móc gần cửa xe, còn vướng một cái áo rách bay phất phơ. Ôi, cảnh tượng thật kinh hoàng! Cô gần như té quỵ người xuống, ngực thắt lại không thở được.
Vài đứa nhóc vừa kêu la, vừa bỏ chạy về bản.
Long nắm tay Thảo Hương lôi lên xe, nhấn ga chạy luôn, bỏ lại đằng sau xác đứa bé bê bết máu và mấy đứa bé khác đang quỳ quanh xác bạn, cúi người như khóc, như lay bạn chúng dậy.
Kể từ hôm đó, Thảo Hương không gặp Long nữa. Lâm trường cử người xuống bản bồi thường, nhưng họ không nhận. Người bản lên lâm trường yêu cầu gặp Long. Họ chỉ muốn Long xuống bản xin lỗi gia đình của đứa bé. Long đã tự ý nghỉ việc và biến mất tăm khỏi lâm trường.
Thảo Hương nhớ có lần Long đã kể cho cô nghe về nhà của anh ở Đà Lạt. Thậm chí, cô còn có thể hình dung rất rõ ràng ngôi nhà với những khoảnh vườn hoa và màu sắc của cái cửa, cái rèm... Nghe cô mô tả, anh Chí nói anh có thể biết đó là đâu. Thảo Hương đòi đi theo.
Trong khi Chí nhấn chuông, Thảo Hương nhìn khuôn cổng được bao quanh bởi giàn bông giấy rực rỡ, bên trong, những cây sứ trắng xanh mướt nhô cao, quen thuộc như là cô đã từng thấy nó.
Người mở cổng là một thiếu phụ trẻ xinh đẹp, đang mang thai. Cô cười rất tươi và hỏi bằng chất giọng mà ngay lập tức, Thảo Hương hiểu ngay cô là một người dân tộc:
- Các người tìm ai?
- Đây có phải nhà anh Long không?
- Phải, anh ấy đang có nhà.
- Chị là…?
- Vợ đó mà.
Thảo Hương ngớ ngẩn nhìn cái rèm cửa màu hồng nhạt đang khẽ lay trong gió, nhìn cái bụng bầu và nụ cười dịu êm trên đôi môi đỏ như son. Long xuất hiện ở cửa. Anh nhìn vào Thảo Hương và khẽ nhăn mặt:
- Làm sao mà kiếm ra nhà thế? - Anh hỏi vẻ mệt mỏi. Trong lý lịch của anh không có địa chỉ này.
Anh Chí nhìn về phía em vợ, bỗng nhiên cũng cười một cách mệt mỏi, hệt như Long:
- Cô bé nhóc kia vẽ đường cho tôi. Không ngờ cậu đã có vợ rồi, lại sắp làm cha, kín miệng thật?!
- Còn biết làm sao? Anh không nhớ cô ấy à? Cô hoa khôi của nhóm thiếu nữ Thái đến lâm trường tham gia văn nghệ năm ngoái ấy.
- Cậu bỏ việc là chuyện nhỏ, nhưng cậu phải về bản xin lỗi người ta một tiếng. Một mạng người đó, đâu có cái kiểu trốn biệt như vậy?
- Không đâu. Anh xin lỗi hộ tôi. Tôi sắp làm cha rồi. Nhỡ đến bản, bị bỏ bùa điên, làm sao chăm sóc vợ con.
Trong khi nói, Long cứ cúi mặt xuống. Thảo Hương chỉ im lặng kể từ khi tới đây. Chí cứ nắm tay cô thật chặt, như sợ cô chạy mất.
- Nói vớ vẩn. Đó chỉ là chuyện hoang đường, sao lại tin thật. Một câu xin lỗi khó nói lắm hay sao?
- Lỗi cũng đâu phải của tôi. Bọn nhóc tự mình làm chết mình ấy chứ. Tôi đã rất tốt với chúng khi cho chúng đi nhờ xe. Nếu biết trước, tôi chẳng cho chúng bám xe làm gì. Bây giờ bảo tôi đến xin lỗi, chẳng phải là gài sẵn bẫy chờ tôi hay sao?
- Bẫy cái gì mà bẫy, cậu sâu sắc quá! Có đi không, nói một tiếng thôi.
- Tôi không dám đi. Anh về đừng cho họ biết tôi ở đâu, tôi sợ lắm.
Trên đường về, hai anh em đều lặng thinh.
Thảo Hiền đón em gái ở cửa, chìa ra một lá thư:
- Thư của em nè. Hai anh em có kiếm được nhà không?
Chí nắm tay vợ đi vào nhà:
- Để nó một mình đi em.
Đó là thư của Long. Trong thư, chỉ là một câu chuyện với kịch bản muôn thuở mà cô thường đọc đâu đó.
Những giọt nước mắt cứ thi nhau lăn tròn trên má Thảo Hương. Cô phát hiện trên thế gian, đáng sợ nhất là người hèn nhát. Họ thường có bộ mặt thiên thần để quyến rũ trái tim bạn. Khi gặp chuyện, họ sẽ bỏ mặc bạn, họ sẽ trốn tránh với trăm vạn lý do. Còn bạn với những nỗi đau, mà nếu may mắn, bạn sẽ vượt qua, nếu không may, bạn sẽ không thể tin yêu ai được nữa.
Bỗng nhiên cô cảm thấy mình đã rất già, dường như trái tim cô vừa xuất hiện quá nhiều vết nhăn nheo.
Thảo Hiền ôm chặt em gái, mắt chị nhòa lệ. Lần chia tay này phải rất lâu hai chị em mới có thể gặp lại. Chị nói:
- Em bảo cha má lên thăm chị.
- Chị bảo anh rể nghỉ phép đưa chị về thăm nhà. Chị cũng biết má sợ say xe, có bao giờ đi xa đâu. Cha thì quanh năm bận, đi làm sao được?
Chí cười:
- Được rồi, hẹn gặp ở Sài Gòn nha.
******