Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

MÙA GIAO MÙA


 Tháng tư bắt đầu bằng vài cơn mưa. Vòng tròn hai mùa mưa – nắng ở miền Nam giao nhau. Và, điểm kết thúc cũng là điểm khởi đầu. Bất kỳ lúc nào trong hiện tại, dù muốn hay không, khi đã có điểm khởi đầu thì sau nó là quá khứ và trước nó là tương lai. Ngày mai vĩnh viễn là ngày mai, với rất nhiều dấu hỏi. Hôm qua vĩnh viễn là hôm qua, chỉ có điều ta đã hiểu gì từ hôm qua đó?
Thường thường tôi chẳng hiểu gì cả. Hôm qua có những điều không giống hôm nay và ngày mai thì càng không biết có thể xảy ra những gì. Nhưng tôi có thể dự trù một tương lai bằng cách tích cóp hiện tại. Quá khứ mỗi ngày là một bài học mới, không ít thì nhiều, cho biết ta sẽ là ai. Khó khăn của ngày hôm nay, nếu ta không hiểu nó từ đâu mà xuất hiện thì ta cứ tiếp tục mang nó trên vai từ quá khứ đi mỏi cả tương lai mà không biết làm sao bỏ nó xuống, quăng nó đi. Rất nhiều khi ta biết câu trả lời, nhưng không ngừng được vẫn hỏi, không ngừng được vẫn tái phạm sai lầm. Để rồi như vết dầu loang, sai lầm nối tiếp sai lầm, đến mức ta thật sự không biết bắt đầu sửa chữa từ đâu.
Mùa có thể biết điểm khởi đầu. Bởi sau những ngày nắng là đến những ngày mưa. Nhưng có rất nhiều việc, nếu ta không tự đặt một điểm khởi đầu thì vĩnh viễn cứ chạy trên đường tròn luẩn quẩn không biết bao giờ mới kết thúc được.
Tôi vẫn thường nghĩ đến câu thành ngữ: “Vạn sự khởi đầu nan”. Nhưng khởi đầu mà không định hướng thì đi về đâu còn gian nan hơn nhiều. Tôi đã nhiều lần khởi đầu, nhưng chẳng bao giờ kết thúc được. Bao giờ tôi cũng có nhiều lý do để biện minh cho những dự định dang dở của mình. Vậy nghĩa là sao? Chẳng phải tôi đã biết câu trả lời rồi là gì. Cái chính là tôi không đủ dứt khoát, cái gì cũng muốn làm mà sức không thể ôm đồm, càng ôm, càng đuối, cuối cùng cái gì cũng chỉ nằm trong kế hoạch mà không cái gì hoàn thành.
Đi đâu, về đâu chỉ là cách hỏi. Nếu không có điểm đến thì không thể tiến. Không đi thì chỗ đâu mà về nhỉ?
Tháng tư, mùa giao mùa. Những cơn mưa đầu mùa sẽ làm đất tơi mềm chuẩn bị cho một mùa gieo trồng mới và sau đó là một mùa thu hoạch mới. Ta đã gieo trồng gì cho cây đời ta? Ta sẽ gieo trồng gì cho cây đời ta dịu dàng tươi xanh? Lại cũng là một câu hỏi, ta phải tự trả lời.

4.2002

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

XUỒNG BA LÁ


Sau nhà tôi là một con sông nhỏ. Hai bên bờ sông xanh rợp bóng dừa nước xen lẫn những cây bần dĩa. Khi nước lớn, tôi thường đẩy chiếc xuồng ba lá ra sông, bơi chèo nhẩn nha tới lui. Thích nhất là mỗi khi có một chiếc tàu lớn đi ngang. Những ngọn sóng cao đằng sau chiếc tàu như chực chờ dìm chiếc xuồng ba lá mỏng manh, bé nhỏ, đang dập dềnh giữa dòng như chiếc lá.
Tôi luôn có tâm trạng hồi hộp khi ngồi trên xuồng đón sóng. Tất cả những động tác của tôi là một thứ bản năng. Dường như tôi hơi ấn mạnh chèo, người hơi nhún xuống cho mũi xuồng gác nhẹ lên đầu sóng, thế rồi cả chiếc xuồng được sóng nâng lên đến hết đà và hạ chúc xuống. Lúc này, tôi đẩy chèo cho chiếc xuồng nằm hơi nghiêng theo triền sóng. Trước khi con sóng sau chồm tới, tôi lại ấn mạnh chèo cho mũi xuồng nghiêng ghếch lên và lại gác đầu lên con sóng mới. Cái cảm giác nước lên, thuyền lên, nước hạ thuyền xuống, rất kỳ lạ. Rất nhiều lần, tôi cũng muốn chú ý xem mình đã làm như thế nào để đón sóng, nhưng hầu như tôi chẳng nhớ mình đã làm ra sao khi chiếc xuồng ba lá đang cưỡi sóng, bởi vì ngay khi mặt nước êm, chiếc xuồng có tôi ngồi trên đã mấp mé mặt nước. Còn nhớ những ngày đầu đem xuồng ra tập chèo, ngay cả xuống xuồng ngồi mà nó không chìm cũng không dễ. Này nhé, tôi phải thò một chân, từ từ thả trọng lượng của mình lên xuồng, cho đến khi cảm nhận được sự cân bằng thì bước luôn chân còn lại và ngồi xuống tháo dây ra. Tất cả những động tác diễn ra trong tích tắc và tôi đưa xuồng lướt ra sông. Nhiều lần chưa kịp đón sóng, tôi đã để sóng chụp chìm xuồng. Sau nhiều lần còng lưng tát nước, cuối cùng, tôi đã đón sóng thành công. Khi đó, tôi chỉ là một đứa trẻ mười một, mười hai tuổi.
Tháng ngày trôi qua, tôi rời quê, vào đời. Có rất nhiều khó khăn, buồn phiền, thất bại đi qua cuộc đời tôi và tôi luôn đem bài học đón sóng ra tự động viên mình. Những khi vướng mắc, tôi lại nhớ chiếc xuồng ba lá mỏng manh và tôi tự hỏi: Mình đã cố gắng hết sức chưa?
Tôi vẫn ngày mỗi ngày ngồi trên chiếc xuồng ba lá, chở cuộc đời tôi đi trong dòng đời. Những con sóng mang đầy những dấu hỏi. Không phải lúc nào tôi cũng trả lời suôn sẻ, luôn luôn có một ít nước tràn vào xuồng khi nó nhảy sóng. Những dấu hỏi ví như những con đường mà tôi đã chọn đi qua, dù cuối đường đầy những thất vọng, mất mát, tôi cũng không bao giờ hối hận.
Tôi vẫn rất sợ phải đối đầu với những thất bại và những khi lực bất tòng tâm, nhưng tôi vẫn thấy buồn cười vì nhận ra mình thật quá tò mò muốn biết mình sẽ giải quyết những dấu hỏi trước mặt như thế nào?

2003

DẠ, THƯA THẦY!



       
Ai cũng từng một thời cắp sách đến trường, câu đầu môi của chúng ta khi ấy là: Dạ, thưa thầy…
Khi ta vào đời, dù hữu ý hay vô tình, người đi trước không ít thì nhiều đã làm thầy ta mà chưa bao giờ được ta gọi một tiếng: Thầy ơi!
Bài học ở trường, phần lớn là lý thuyết. Bài học ở đời, tất cả là thực hành. Có bài học, ta dùng suốt đời không hết; có bài học giúp ta ăn nên, làm ra; có bài học khiến ta thương tâm một đời… Mỗi bài học là một trải nghiệm mà chỉ khi chúng ta đi qua mới thấu hiểu hết.
Khi ta học ở trường, bài toán đơn giản của học trò lớp một là: 1+1=2, luôn có đáp số là một hằng số.
Khi ta vào đời, bài toán này trở thành bài toán cắc cớ với rất nhiều đáp án. Đến nỗi, một bài toán đơn giản mà học sinh lớp một cũng có thể mạnh dạn trả lời với niềm tin rằng nó chính xác thì người lớn cứ ấm ớ, sợ trả lời sai và rồi ngớ ngẩn tự hỏi: 1+1=?
Khi học ở trường, ta luôn biết: Đường thẳng nối hai điểm là đường ngắn nhất. Nếu ta nói như thế ở trường đời, chắc chắn sẽ nhận được một câu phang ngang thế này: Câu đó xưa rồi Diễm! Đường ngắn nhất nối hai điểm là đường parabol, tức đường vòng?! Phải chăng ta càng học nhiều ở trường đời, tính thật thà cũng bị mòn đi, mỗi lời, mỗi ý đều chứa quá nhiều vị: ý tại ngôn ngoại?
Thầy ở trường dạy ta: Hãy biết mơ ước, với niềm tin: hãy gõ, cửa sẽ mở!
Tôi vẫn còn nhớ như in giọng cười trong vắt của bạn tôi khi nó nói: Cứ đứng đó mà gõ. Một cửa một dấu, nhưng cửa lại có rất nhiều khóa và nhiều người giữ chìa. Cứ chờ đi hen.
Nói đến chờ đợi, tôi lại nhớ khi xưa ta bé, điều mong chờ nhất là trở thành người lớn. Khi làm người lớn, ta mới nhận ra làm trẻ con là thích nhất. Bởi vì khi ta là người lớn, ta càng phải học nhiều hơn. Bài học trẻ con thường được thầy cô cho điểm. Bài học trường đời ta phải trả giá bằng chính cuộc đời ta, trái tim ta… Và có thể, có những bài học mà giá của nó, ta không bao giờ trả nổi. Ta ở trường đời, và khi đó, ta không thể nói: Dạ, thưa thầy, thầy bỏ qua cho em!
Thời tôi mới bắt đầu đọc cuốn sách: Quẳng gánh lo đi và vui sống của cố học giả Nguyễn Hiến Lê, tôi mới nhận ra rằng mình đã tự làm khổ mình quá nhiều khi cứ mang mãi gánh lo trên vai, dù chưa biết làm sao giải quyết. Khi tôi quẳng gánh lo, buồn phiền ra khỏi đầu, chỉ nghĩ cách giải quyết gút mắt, giải pháp lại xuất hiện như một trò đùa.
Và cứ thế, tôi đi trong đời, ngày mỗi ngày, tôi có thêm nhiều bài học mới, từ gia đình, từ bạn bè, từ người đời… Với tất cả những gì mà tôi đã học, dù tốt hay xấu, cũng tạo nên một tôi giữa đời.
4.9.2007

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

TRÊN SÔNG KHÓI SÓNG*



Thật ra phải nói là trên đầm khói sóng mới đúng. Đầm Nại.
Cái tên đầm cũng làm tôi liên tưởng đến chiếc cầu Nại Hà nối hai bờ sống-chết trong Phật giáo, khi linh hồn ăn chén cháo lú, quên phía sau mình từng là ai, chỉ còn tương lai. Rồi tôi lại nhớ lời bài hát Bài không tên số 4 (Vũ Thành An): Đời con gái cũng cần dĩ vãng. Mà em tôi chỉ còn tương lai... Mai về sau nước mắt có cạn. Khi xa đời thương cho đàn con. Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa. Rồi tôi lại nghĩ về hai ngôi làng cạnh nhau trên vùng đầm Nại, một bên là làng Nguyễn Văn Thiệu và một bên là làng kháng chiến, như mâu và thuẫn, và câu nói bất hủ của Karl Marx: Ở đâu có mâu thuẫn, ở đó có đấu tranh... Còn rất nhiều liên tưởng, dường như trong tôi trở lại cảm giác mệt mỏi với hai từ đấu tranh khi tôi nhìn đầm Nại trong chiều.
Tôi nhận ra rằng, khi bỏ cái gánh này xuống, một cái gánh khác sẽ xuất hiện, cuối cùng, tôi vẫn không thể sống theo ý mình. Tôi biết, những trải nghiệm đời của tôi, quá khứ và hiện tại, dù lấy của tôi thời gian, sức lực, nhưng lại cho tôi những vốn sống rất quý giá. Những điều mà tôi có tưởng tượng phong phú thế nào cũng không bằng tự thân trải nghiệm.
Việc thấu hiểu bản thân mình và mình có thể cố gắng tới đâu để hòa nhập vào thế giới quanh mình thật không dễ dàng. Tôi rất thích câu nói của Heraclitus: Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông - không có gì là mãi mãi.
Hồi còn nhỏ, tôi rất thích từ chân lý, nó cho tôi cảm giác an toàn, như cây đời vững chãi để niềm tin tôi tựa vào đó mà lớn lên. Ngày tháng qua đi, tôi nhận ra không có gì là bất biến, ngay cả chính mình dù không muốn, vẫn thay đổi. Càng già, càng hiểu biết nhiều, càng thấy sự hiểu biết của mình quá ít, càng thấy mình bé mọn. Điều mất mát lớn nhất trong tôi là không còn chân lý. Tôi vẫn giữ niềm tin vào con người, như một thói quen, vì thế, khi tôi nhận ra mình tin lầm, chỉ để lại trong tôi sự nuối tiếc, không hối hận, không có câu hỏi, bởi lòng đã có câu trả lời, nhưng vẫn vui hơn nếu lại có thể tin.
Tin yêu, đó là những động từ tôi quyết định sẽ không để mất đi trong thời gian còn lại của cuộc đời tôi. Điều đó làm tôi hay cười và nhìn mọi thứ với cái nhìn tăng phần hài hước giảm phần xét nét. Điều quan trọng với tôi là biết mình đã sống thế nào. Tôi chỉ biết cố gắng làm tốt nhất có thể cho bất kỳ công việc nào mình đã nhận, nhiều khi cảm giác thời gian không thèm trôi. Nhưng khi nghĩ đến giấc mơ chưa hoàn thành, tôi lại thấy thời gian quá nhanh. Mâu thuẫn luôn tồn tại trong tôi dưới nhiều hình thức, đó là cuộc chiến giữa lý trí và tình cảm mà tôi nhiều khi bất lực, chỉ có thể chọn một vì không thể làm cả hai. Câu mà tôi thường nói với mình: Chuyện nhỏ có thể làm được - làm đi, chính là châm ngôn sống của tôi. Quanh tôi, biết bao nhiêu chuyện nhỏ, làm chưa hết. Ít nhất là tự an ủi mình, tôi bé mọn trong thế giới này, chỉ làm được thế thôi.
Khói chiều trên sóng, cảm giác như danh lợi phù vân, bao giờ buông xuống không hối hận?

*Hoàng Hạc lâu


Nguyên tác: Thôi Hiệu





七言律詩

崔顥

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是?
煙波江上使人愁。

Hoàng Hạc
lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Bản dịch của Tản Đà

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Bài này có khá nhiều bản dịch, tôi chỉ thích bản dịch này, không hẳn là thích cả, chỉ thích hai câu cuối.