Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

CÁI CHẾT CỦA BÀ QUÉT CHỢ




Bà quét chợ khoảng 40 tuổi, cô độc, khoèo một chân. Người thân của bà là con heo nái vừa đẻ một đàn mười heo con và một bầy gà nòi, phần lớn là con trống rất đẹp mã.
Trưa mỗi ngày, lúc chợ quê tan, bà quét chợ với cây chổi cán dài tự chế bằng tàu cau hoặc cành cây, sau khi gom rác, bà lựa ve chai, rau củ dạt, rồi kéo rác đổ xuống cầu tàu. Xong việc, bà đẩy một xe rác về đổ trên đất vườn.
Bà sống trong căn nhà lá, nằm ngay lối vào một miếng đất khá rộng, cây trái xanh tốt, bốn mùa đều có trái chín, trơ trọi cạnh bờ sông.
Hàng tháng, người thu hoa chi sẽ đưa bà một khoản lương.
Trưa nay, chợ đã tan, không thấy bà quét chợ đi cà nhắc với cây chổi cán dài. Ruồi nhặng bay u u khắp nơi. Chỗ bán cá cạnh cầu tàu là gớm nhất. Mùi cá ươn theo gió đi vào mọi ngóc ngách phố chợ. Những nhà ở xa cầu tàu đến nói những nhà cạnh chỗ bán cá:
- Hôm nay, bà quét chợ trốn việc. Mấy người ở cạnh cái mỏ thúi mà vẫn chịu được sao?
Ý là sao mấy người không xách nước sông lên dội chợ cá đi. Những căn nhà im lìm như những người bên trong. Đâu phải việc của họ, đó là việc của bà quét chợ.
Càng về chiều, nắng nóng làm cho mùi cá chết càng bốc lên kinh khủng. Mây đen kéo tới mù mịt. Gió từ sông cái thổi giật những mái tôn rầm rập. Mưa to đến tối.
Người thu hoa chi vừa ăn cơm chiều xong, đang ngồi xỉa răng. Khi xế, ông đã định vào xem bà quét chợ có bệnh tật gì không. Bà ấy tuy trông gầy ốm, nhưng chẳng bỏ việc bao giờ. Ông nhìn ra con đường trước nhà, thấy sình lầy nhầy nhụa, mưa vẫn còn nặng hạt, ngại ngần nghĩ:
- Có lẽ mai bà ấy sẽ có mặt.
Ông bật tivi, leo lên võng nằm đong đưa.
Hôm sau, cảnh hôm qua lại tái diễn. Chợ cá lại bốc mùi. Chợ rau càng bẩn hơn vì ngập ngụa sình lầy và rác quện vào nhau. Người đi chợ tha sình từ mọi ngã đường vào. Các nhà ở phố chợ giận nhau vì ai nói kệ ai, không nhà nào ra giải quyết cái chợ cá.
Cái chợ tàn như bãi rác lộ thiên. Sống cạnh bãi rác như thế, tâm trạng mọi người trở nên bức bối. Dân chợ trách móc: Bà quét chợ thật tệ, tiền thì biết lấy, chẳng nói tiếng nào đã đình công, phải cho bà ấy biết thế nào là trách nhiệm, nghĩa vụ mới được. Mọi người dễ dãi nên bà ta lờn mặt.
Một đoàn gần chục người mặt mũi quạu đeo, dẫn đầu là ông thu hoa chi đến nhà bà quét chợ. Từ đàng xa, nhìn thấy khu đất xanh um cây trái, họ bảo nhau:
- Chúng ta đâu có xử tệ với bả. Làng cho mấy đời nhà quét chợ miếng đất đó, bây giờ tiền không. Coi bầy heo đủng đỉnh ăn rau trong vườn kìa, bầy gà đá đó nữa, cả một gia tài, vậy mà không biết ơn chúng ta.
Ông thu hoa chi nhăn mặt:
- Mấy bà đừng có thêm mắm dặm muối. Năm xưa, miếng đất bãi bồi bỏ hoang này chẳng ai thèm. Cỏ, lác, ô rô gai góc mọc lút đầu người. Nghe nói ông cố, ông sơ nhà bả mua bằng công quét chợ mấy năm. Bao nhiêu đời nhà người ta kéo rác về đắp bồi mới được như giờ.
Đứng trước cửa gọi mãi không nghe bà quét chợ lên tiếng, ông thu hoa chi nhấc cái cửa để qua một bên, bước vào trong, miệng lầm bầm:
- Thời buổi này mà cửa nẻo gì, có cũng như không.
Ông bỗng ngừng bặt vì cảnh tượng trước mắt. Ở chái bếp thấp lè tè, cao vừa khỏi đầu người, bà quét chợ đã chết trong tư thế quỳ gối, đầu gục xuống ngực, cái lưỡi thè dài đã chuyển màu đen, sợi thòng lọng lủng lẳng xệ xuống tận bụng.
Mọi người xúm lại lao xao nói, hòa với tiếng gà, heo kêu xung quanh, tạo thành một bản hòa âm kỳ lạ bên cạnh cái chết cũng rất lạ của bà quét chợ. Treo cổ thì phải chết treo, đằng này bà lại chết quỳ với cái thòng lọng không thít vào đâu.
Công an đến ghi chép, nhưng không hỏi được gì nhiều vì quanh đó không có nhà cửa. Bà quét chợ không giàu có, không xinh đẹp, không người thân… tóm lại là không có động cơ. Căn nhà nhỏ của bà hoàn toàn ngăn nắp, sạch sẽ. Ngoài vườn, cây lá vẫn rất xanh. Thế giới vẫn thanh bình với những làn mây trôi êm đềm giữa một trời quang, sau ngày mưa xối xả đến cạn kiệt mây đen như hôm qua. Và, những cánh bướm sặc sỡ, những chú ong bầu bay ù ù vẫn nhởn nhơ hút mật trong làn gió nhẹ. Một cuộc đời cô độc, đến rồi đi, vô thường thế thôi.
Bỗng nhiên tổ tông mấy đời nhà bà quét chợ bị người ta lôi ra, để cuối cùng kết luận: Nhà đó có huông ma thòng lọng. Đời nào cũng có ít nhất là một người thắt cổ chết treo. Mọi người sợ dính huông thắt cổ, chẳng ai dám động đến cái xác. Một ông sư được mời đến để cắt thòng lọng. Chẳng biết thực hư thế nào, người ta đồn rằng khi cắt sợi dây, bên trong đen sì máu bầm?!
Đám tang của bà do xã đứng ra lo liệu. Đó là một cái đám tang rất lớn với hàng chục con heo sữa quay và một con heo nái hơn một tạ thịt hơi. Bầy gà nòi của bà, người ta tranh nhau mua. Cuối cùng xảy ra một chuyện chưa từng có, ủy ban xã cử người tổ chức đấu giá bầy gà để lấy tiền chôn cất chủ.
Thật kinh ngạc, bầy gà nòi bán hơn ba mươi triệu đồng. Con gà to nhất đàn, có cái cựa dài nhọn hoắt, lúc nào cũng hung hăng đi kiếm chuyện với những con gà khác, đã được trả tới bảy triệu đồng. Nhiều tiền quá, xã quyết định mua cái hòm cẩm lai duy nhất của trại hòm. Nghe nói cái hòm ấy nhiều năm không bán được vì giá quá cao. Ông chủ trại hòm còn than thở:
- Vừa bán, vừa cho chứ mắc mỏ gì! Cẩm lai bây giờ làm gì còn để mang đi đóng hòm. Đóng nội thất cao cấp còn không có mà đóng. Chẳng qua gỗ đóng hòm rồi, đâu thể tháo ra. Bán rồi, tiếc muốn chết.
Con trai ông chủ trại hòm hỏi:
- Cha tiếc vậy sao còn cho không dịch vụ kèm? Những cái đó mình phải tốn tiền mà?
- Nghĩa tử là nghĩa tận. Vài bộ đồ liệm, mấy thằng khiêng đòn, chủ tế… công nhà cả, tính toán làm chi với người chết.
Mấy hôm sau, bà quét chợ được yên nghỉ ở đất thánh (nơi chôn cất những người nghèo, vô gia cư, xác vô thừa nhận - NV).
Miếng đất của bà trở thành tài sản công. Xã muốn bán để sung công quỹ, nhưng chẳng ai muốn mua. Khu đất không người chăm sóc, gặp mùa mưa, đủ loại cây từ đất rác mục ấy chen nhau mọc lên, xanh như chưa bao giờ cây cỏ được xanh như thế.
Thời gian qua đi, mọi chuyện sẽ vào quên lãng nếu như mấy con gà nòi không sinh quái bệnh. Gà đá mà không chịu đá. Những người chủ gà không hiểu vì sao khi thả trong vườn, những con gà nòi rất hung hăng, đá bất kể gà trống, gà mái, gà con cho đến dở sống, dở chết mới thôi. Khi những con gà tan tác, nằm khốn khổ la liệt trên đất thì con gà nòi vỗ cái cánh chẳng có mấy lông và ngửa cái cổ đỏ trụi lủi, gân guốc như đô vật, hả hê gáy rất to. Còn khi ôm vào xới gà, chúng cứ đứng sững ra đó, mặc cho kẻ địch tha hồ đá mổ. Chủ gà đành phải chịu thua để ôm gà về.
Tưởng chỉ một con như vậy, hỏi ra mới biết những ai mua gà của bà quét chợ đều gặp tình trạng đó cả. Những kẻ chơi gà đá độ không đủ tiền để đấu giá những con gà của bà quét chợ thì cười:
- Thèm gà người ta cho lắm, bây giờ mua được hóa ra gà không biết đá.
Người ta bắt đầu rỉ tai nhau những câu chuyện về kẻ đã giết bà quét chợ. Có lẽ không chỉ một người mà là nhóm người. Các mẩu chuyện truyền khẩu đó, tuy không chỉ đích danh, nhưng nói đến những con gà, khác nào chỉ đích danh còn gì. Một người nói, hai người nói… càng nhiều người nói, câu chuyện càng hoàn chỉnh như đang thật sự thấy những kẻ giết người chỉ vì một bầy gà đá quá chiến mà chủ của chúng thà để già chết đem chôn, không bao giờ bán. Rồi câu chuyện được kết luận như sau: Có rất nhiều dấu vết ở hiện trường, có thể chỉ ra thủ phạm, nhưng công an của ta không có máy móc và kỹ thuật giỏi như nước ngoài, bởi vậy mà bà quét chợ chết oan. Hồn ma của bà ám mấy con gà. Nghe thật buồn cười. Câu chuyện đang là rất lý trí, rất hiện thực, bỗng dưng cái kết lại ngoặt mấy trăm độ về số âm. Những chủ gà mới khổ, đi đâu cũng bị dòm ngó, lườm nguýt.
Lúc ấy, ông nội bé Tú - một người trong xã đã mua miếng đất của bà quét chợ. Những người được thuê dọn quang khu đất kể, họ chưa bao giờ thấy nhiều ổ rắn đủ loại như ở đó, tha hồ mà bắt, không hiểu là “ma cũ hay ma mới”. Nếu là “ma cũ”, sao heo, gà có thể sống hòa bình như thế năm này sang năm khác? “Ma mới” thì từ đâu mà đến, kéo theo bầy đàn thấy ớn. Mà rắn đem lên Sài Gòn, càng độc, càng bán được tiền.
Nói đến tiền, bỗng dưng người ta tổng kết rằng bà quét chợ rất giàu. Thì đó, bà vừa chết đi, của nổi đã thấy khối tiền, biết đâu bà cắc củm để dành, của chìm chắc cũng không ít. Vậy tiền, bà giấu đâu? Không ít người bỏ công lục soát, đào xới ở đó, không nghe ai khoe mình kiếm được xu nào, nhưng nhờ thế mà đỡ cực cho những người dọn quang khu đất.  
Một chủ tàu ở Phú Quốc ghé chợ kiếm ông thu hoa chi hỏi thăm nhà của bà quét chợ. Ông thu hoa chi hỏi:
- Bà quét chợ cũ hay mới?
- Bà quét chợ đi cà nhắc.
- Bà ấy chết rồi. Ông kiếm có chuyện gì?
- Bà ấy tặng tôi cặp gà nòi. Tôi hứa tháng này ngang qua sẽ tặng bà ấy một con chó Phú Quốc. Mộ bà ấy ở đâu? Tôi đến thắp nhang.
Ông thu hoa chi ngẫm nghĩ: Sợi thòng lọng đó, chắc là để chuẩn bị buộc con chó. Rồi chuyện gì xảy ra và vì sao bà lại chết trong tư thế kỳ cục thế, nghĩ không ra.
Không ai nhớ bà quét chợ từng sống ra sao. Nhưng bà chết thế nào thì có khi người ta biết còn nhiều hơn cả chuyện thực sự đã xảy ra.
 Ông nội bé Tú đã dỡ nhà bà quét chợ, xây một cái miếu nhỏ ở góc trái mảnh đất, trên cửa miếu sơn một hàng chữ: Miếu bà quét chợ. Thì ra, không ai biết bà quét chợ tên gì!
Ngày ngày, ông cử người nhang khói, cúng cơm cho bà theo tập tục. Người trong làng đi ngang qua cái miếu nhỏ, ai cũng tiện tay thắp một cây nhang. Là hương khói, mọi thứ chỉ là hương khói thôi, nhưng mỗi khi thắp một cây nhang, người ta lại nhìn cái tên miếu. Ít nhất, đó cũng là điều có thể nhớ về một con người đã từng sống trên mảnh đất này.
******

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét