Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

TRÊN SÔNG KHÓI SÓNG*



Thật ra phải nói là trên đầm khói sóng mới đúng. Đầm Nại.
Cái tên đầm cũng làm tôi liên tưởng đến chiếc cầu Nại Hà nối hai bờ sống-chết trong Phật giáo, khi linh hồn ăn chén cháo lú, quên phía sau mình từng là ai, chỉ còn tương lai. Rồi tôi lại nhớ lời bài hát Bài không tên số 4 (Vũ Thành An): Đời con gái cũng cần dĩ vãng. Mà em tôi chỉ còn tương lai... Mai về sau nước mắt có cạn. Khi xa đời thương cho đàn con. Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa. Rồi tôi lại nghĩ về hai ngôi làng cạnh nhau trên vùng đầm Nại, một bên là làng Nguyễn Văn Thiệu và một bên là làng kháng chiến, như mâu và thuẫn, và câu nói bất hủ của Karl Marx: Ở đâu có mâu thuẫn, ở đó có đấu tranh... Còn rất nhiều liên tưởng, dường như trong tôi trở lại cảm giác mệt mỏi với hai từ đấu tranh khi tôi nhìn đầm Nại trong chiều.
Tôi nhận ra rằng, khi bỏ cái gánh này xuống, một cái gánh khác sẽ xuất hiện, cuối cùng, tôi vẫn không thể sống theo ý mình. Tôi biết, những trải nghiệm đời của tôi, quá khứ và hiện tại, dù lấy của tôi thời gian, sức lực, nhưng lại cho tôi những vốn sống rất quý giá. Những điều mà tôi có tưởng tượng phong phú thế nào cũng không bằng tự thân trải nghiệm.
Việc thấu hiểu bản thân mình và mình có thể cố gắng tới đâu để hòa nhập vào thế giới quanh mình thật không dễ dàng. Tôi rất thích câu nói của Heraclitus: Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông - không có gì là mãi mãi.
Hồi còn nhỏ, tôi rất thích từ chân lý, nó cho tôi cảm giác an toàn, như cây đời vững chãi để niềm tin tôi tựa vào đó mà lớn lên. Ngày tháng qua đi, tôi nhận ra không có gì là bất biến, ngay cả chính mình dù không muốn, vẫn thay đổi. Càng già, càng hiểu biết nhiều, càng thấy sự hiểu biết của mình quá ít, càng thấy mình bé mọn. Điều mất mát lớn nhất trong tôi là không còn chân lý. Tôi vẫn giữ niềm tin vào con người, như một thói quen, vì thế, khi tôi nhận ra mình tin lầm, chỉ để lại trong tôi sự nuối tiếc, không hối hận, không có câu hỏi, bởi lòng đã có câu trả lời, nhưng vẫn vui hơn nếu lại có thể tin.
Tin yêu, đó là những động từ tôi quyết định sẽ không để mất đi trong thời gian còn lại của cuộc đời tôi. Điều đó làm tôi hay cười và nhìn mọi thứ với cái nhìn tăng phần hài hước giảm phần xét nét. Điều quan trọng với tôi là biết mình đã sống thế nào. Tôi chỉ biết cố gắng làm tốt nhất có thể cho bất kỳ công việc nào mình đã nhận, nhiều khi cảm giác thời gian không thèm trôi. Nhưng khi nghĩ đến giấc mơ chưa hoàn thành, tôi lại thấy thời gian quá nhanh. Mâu thuẫn luôn tồn tại trong tôi dưới nhiều hình thức, đó là cuộc chiến giữa lý trí và tình cảm mà tôi nhiều khi bất lực, chỉ có thể chọn một vì không thể làm cả hai. Câu mà tôi thường nói với mình: Chuyện nhỏ có thể làm được - làm đi, chính là châm ngôn sống của tôi. Quanh tôi, biết bao nhiêu chuyện nhỏ, làm chưa hết. Ít nhất là tự an ủi mình, tôi bé mọn trong thế giới này, chỉ làm được thế thôi.
Khói chiều trên sóng, cảm giác như danh lợi phù vân, bao giờ buông xuống không hối hận?

*Hoàng Hạc lâu


Nguyên tác: Thôi Hiệu





七言律詩

崔顥

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是?
煙波江上使人愁。

Hoàng Hạc
lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Bản dịch của Tản Đà

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Bài này có khá nhiều bản dịch, tôi chỉ thích bản dịch này, không hẳn là thích cả, chỉ thích hai câu cuối.